một ngôi nhà. Chủ nhà là người ở trong nhà khi có khách khứa đến thăm ông ta.
Ông ta là người tiếp nhận khách khứa. Ai tiếp nhận những nhận thức (tưởng) của
(từ) giác quan? Cái gì là người nhận thức? Ai buông bỏ những nhận thức giác
quan đó? Đó chính là cái chúng ta gọi là ''tâm''. Nhưng mọi người không nhìn
thấy tâm, họ cứ suy nghĩ lòng vòng xung quanh bản thân mình... ''Tâm là gì?,
Não là gì?''... Đừng có nhầm lẫn vấn đề chỗ này. Cái gì tiếp nhận những nhận
thức (tưởng)? Có những nhận thức là thích, có những nhận thức là không thích...
Ai ở đó vậy? Có ai ở đó thích hay không thích? Chắc chắn là có chủ thể ở đó,
nhưng bạn không nhìn thấy. Chủ thể đó, cái người thích và không thích đó, chúng
ta gọi là ''tâm''.
Trong tu tập chúng ta không cần thiết phải nói bàn về thiền định (samatha)
hay thiền tuệ minh sát (vipassanā), chỉ cần gọi đó là tu, tu theo Giáo Pháp, như
vậy là đủ. Và dẫn dắt việc tu tập của mình từ chính tâm này. Tâm là cái gì? Tâm
là cái tiếp nhận hoặc ý thức biết được những nhận thức (tưởng) giác quan. Khi
gặp những nhận thức giác quan thì sinh ra phản ứng ưa thích hoặc phản ứng
không ưa thích. Chính cái người tiếp nhận đó dẫn dắt chúng ta đến sự sướng,
khổ, đúng, sai, này nọ... Nhưng tâm không có hình sắc nào hết. Chúng ta cứ cho
rằng nó là cái ‘ta’ hay cái ‘hồn’ hay bản ‘ngã’ của chúng ta, nhưng đích thực thì
tâm chỉ hiện tượng tâm linh, chỉ là pháp thuộc tâm linh (danh pháp, nāma-
dhamma). Ví dụ, ''sự tốt'' thì có hình sắc không? Sự ác thì có hình sắc không?
Sướng và khổ có hình sắc không? Bạn không thể tìm thấy chúng. Chúng có tròn
hay vuông, dài hay ngắn không? Bạn có thể nhìn thấy chúng không? Những thứ
đó chỉ là những thứ, hiện tượng, trạng thái hay những pháp thuộc tâm linh, được
gọi chung là những danh pháp (nāma- dhamma). Chúng khác với những thứ vật
chất, chúng không thể so sánh với những thứ thuộc sắc thể hay sắc pháp (rupa-
dhamma); danh pháp là vô sắc, vô hình... nhưng chúng ta biết là chúng có tồn tại,
chúng có thiệt.
Do vậy mới nói rằng nên bắt đầu việc tu tập bằng cách làm tĩnh lặng cái tâm.
Đưa ý thức tỉnh giác vào trong tâm. Nếu tâm có tỉnh-giác thì nó sẽ được bình an.
Nhiều người không tu tập (để có) sự tỉnh-giác, họ chỉ muốn có ngay sự bình an,
đó là một kiểu “quên bài”. (Đi cày quên trâu). Do vậy họ chẳng học được điều gì
cả. Nếu họ không có được sự tỉnh- giác tức cái ''người biết'', thì không hiểu họ tu
tập dựa trên cái gì?