Tôi nghe nhiều người kể công than rằng...''Ôi, tôi khổ quá. Ngày đêm tôi đều
phải ra đồng, tôi chẳng có thời gian được ở nhà. Giữa trưa đứng bóng tôi cũng
phải ra đồng để làm với cái nắng như thiêu đốt. Dù ở nhà mát mẻ nhưng số tôi
không được ở nhà, tôi phải đi làm. Tôi thiệt là quá khổ.''
Nếu như tôi hỏi họ: ''Tại sao bà không rời bỏ nhà và đi tu cho rồi?'', họ sẽ
nói: ''Tôi không thể bỏ nhà đi được. Tôi còn nhiều trách nhiệm''. Dục vọng
(tanhā) kéo họ ở lại. Nhiều lúc chúng ta đang cày ruộng nhưng lại mắc tiểu quá
chừng (một dục vọng được tiểu tiện) đến nỗi ta vừa đi vừa cày vừa tiểu luôn,
giống như mấy con trâu vậy. Thiệt đúng là dục vọng muốn ta làm gì thì ta phải
làm, ta là nô lệ của nó.
Khi tôi hỏi mấy người: ''Các chú mạnh giỏi không, dạo này bận quá phải
không, không thấy các chú đến chùa?''. Họ trả lời kiểu dân giã: ''Thưa thầy, thiệt
tình con bận lún sâu luôn''. Tôi chẳng hiểu họ bị lún sâu vào những thứ gì! Đó chỉ
là những điều kiện, những sự tạo tác. Phật đã dạy phải nhìn những bề ngoài giả
lập đúng-như-chúng-là và nhìn thấy những điều kiện giả tạm đúng-như-chúng-là.
Đây là cách nhìn thấy Giáo Pháp, nhìn thấy mọi thứ mọi sự đúng như chúng đích
thực là. Nếu bạn thực sự nhìn thấy cả hai cái (bề ngoài giả lập và các điều kiện
giả tạm) thì bạn phải giục bỏ cả hai, buông bỏ cả hai thứ.
Dù bạn có tiếp nhận thứ gì thì nó cũng không có một thực thể hay bản thể
hay là ‘cái gì’ thực cả. Lúc đầu nó có vẻ là tốt, nhưng sau đó nó cũng thành xấu
mà thôi. (Ngon rồi cũng thành dở, sướng rồi cũng thành chán...). Nó cứ khiến ta
thích, rồi khiến ta ghét; làm ta cười, rồi làm ta khóc; nó khiển nó khiến ta chạy
theo đủ thứ kiểu nó lôi kéo ta. Tại sao như vậy? Bởi vì cái tâm chưa được tu tập
và phát triển. Những điều kiện thế tục trở thành những yếu tố tạo tác của tâm, làm
cho nó thấy to, thấy nhỏ, thấy sướng, thấy khổ, thấy buồn, thấy này, thấy nọ...
cảm nhận đủ thứ, đủ kiểu.
Vào thời cha ông chúng ta ngày xưa, khi có ai chết họ đi mời sư thầy đến
tụng những câu về lẽ vô-thường, như sau:
Aniccā
vata
sankhārā
Tất cả mọi thứ trên đời (mọi thứ có điều kiện, pháp hữu vi)
đều là vô thường.