họ chỉ gục cái đầu một cái để bái Phật. Cuối cùng họ cũng dẹp luôn nghi thức
này. Họ đã giục bỏ toàn bộ việc tu hành.
Bởi vậy, các bạn phải hiểu rõ tầm quan trọng của sự chánh niệm (sati), phải
tu tập một cách đều đặn, tu chắc chắn, tu không rớt. Sự tu tập đúng đắn là tu tập
đều đặn, ổn định. Dù đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, sự tu tập phải
liên tục. Điều này có nghĩa sự tu tập thiền tập được thực hiện trong tâm này,
không phải trong thân. Nếu tâm có nhiệt huyết, tận tụy và nhiệt tình thì sẽ có
được sự rõ biết về mình, tức sự tự tỉnh-giác. Tâm là thứ quan trọng. Tâm là cái
giám sát tất cả mọi việc mình làm.
Khi chúng ta hiểu biết đúng đắn thì chúng ta tu tập đúng đắn. Khi chúng ta
tu tập đúng đắn thì chúng ta không bị xao lãng lan man. Ngay cả khi chúng ta làm
điều gì ít thì điều đó cũng hoàn toàn đúng. Ví dụ, ngay khi chúng ta xong giờ
ngồi thiền, hãy luôn nhắc mình rằng: “thực sự chúng ta không phải ngưng thiền”,
chúng ta chỉ thay đổi tư thế của thân mà thôi. Tâm của ta vẫn còn tập trung và
tĩnh lặng. Dù đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, phải luôn có chánh
niệm với mình. Nếu chúng ta có loại tỉnh giác như vậy, chúng ta mới có thể duy
trì sự tu tập bên trong. Đến chiều chúng ta ngồi thiền trở lại thì sự tu tập đó vẫn
liên tục, không gián đoạn. Sự nỗ lực không bị gián đoạn giúp cho tâm đạt đến
tĩnh lặng.
Đây được gọi là sự tu tập đều đặn. Dù chúng ta có đang nói hay đang làm
những việc khác, chúng ta vẫn cố gắng giữ sự tu tập liên tục. Nếu tâm có được sự
chánh niệm và sự rõ biết (tỉnh giác) về mình một cách liên tục thì sự tu của chúng
ta sẽ tiến bộ theo lẽ tự nhiên, nó càng ngày càng hội tụ vào nhau, (tức mọi sự tu
tập càng ngày càng đi đúng hướng và đến đúng nơi). Tâm sẽ tự nhiên tìm thấy sự
bình an, bởi nó thấy biết cái gì đúng và cái gì sai. Nó sẽ nhìn thấy mọi điều đang
diễn ra bên trong chúng ta và nhận thấy sự bình an.
Nếu chúng ta tu dưỡng giới hạnh (sīla) hay sự chánh định (samādhi, trạng
thái định tâm, sự vững chắc của tâm), thì trước tiên chúng ta phải có sự hiểu biết,
tức trí tuệ (paññā). Một số người cho rằng mình phải tu tập theo các bước, chẳng
hạn tu dưỡng giới hạnh một năm, tu tập sự định tâm (thiền định) năm sau, và năm
sau nữa tu tập trí tuệ (thiền tuệ). Họ nghĩ đó là ba phần khác nhau. Họ nghĩ năm
nay họ tu dưỡng gì gì đó, nhưng nếu tâm chưa có khả năng đạt định (samādhi) thì
làm sao mà tu được cái gì? Nếu không có sự hiểu biết trí tuệ (paññā) thì biết gì