một dạng dục vọng (tanhā). Điều đó chỉ giống như làm tăng thêm gánh nặng. Khi
ta càng mong muốn tâm tĩnh tại thì tâm càng bị quấy động. Cho đến khi nào
chúng ta từ bỏ sự muốn đó thôi. Nếu cứ tham muốn như vậy thì kết quả là chúng
ta cứ luôn kháng cự với chính mình—ngồi thiền và kháng cự với chính mình.
Tại sao vậy? Bởi chúng ta không suy xét lại về cách chúng ta thiết lập cái
tâm. Chúng ta phải biết rằng những trạng thái của tâm chỉ đơn giản là cách tự
nhiên nó là như vậy. Bất cứ sự gì khởi sinh, chỉ cần quan sát nó. Đơn giản đó là
bản chất tự nhiên của tâm, trạng thái của nó chẳng có gì nguy hại cả, trừ khi
chúng ta không hiểu được bản chất của nó là như vậy. Nó không nguy hiểm nếu
chúng ta nhìn thấy hoạt động của nó đúng như nó là, đúng như nó diễn ra. Do
vậy, chúng ta tu tập với những tư tưởng vitakka và vicāra cho đến khi tâm bắt đầu
lắng lặng xuống và còn ít bị thúc ép (ví dụ, bởi tham muốn của ta). Khi có những
cảm nhận khởi sinh, chúng ta quán xét về chúng, chúng ta hòa quyện với chúng,
và đi đến hiểu biết chúng.
Tuy nhiên, thường chúng ta có xu hướng bắt đầu kháng cự với chúng, bởi
ngay từ lúc đầu chúng ta đã quyết định làm tĩnh lặng cái tâm. Ngay khi chúng ta
ngồi xuống thiền, nhiều ý nghĩ đã lập tức đến quấy nhiễu ta. Ngay sau khi chúng
ta thiết lập đối-tượng thiền thì sự chú-tâm của ta đã xao lãng lăng xăng đằng sau
tất cả những ý nghĩ đó, chúng ta nghĩ rằng những ý nghĩ đó đến quấy nhiễu ta,
nhưng đích thực thì vấn đề phát sinh ngay đây, ngay từ chỗ cái sự muốn của
mình.
Nếu chúng ta nhìn thấy cái tâm chỉ đơn giản hành vi theo bản chất tự nhiên
của nó, rằng nó chuyển động đến đi một cách tự nhiên như vậy, và nếu chúng ta
không quá- quan-tâm đến nó, thì chúng ta có thể hiểu được những cách hành vi
của tâm là tự nhiên như một đứa trẻ thơ. Trẻ thơ thì chẳng biết gì tốt hơn, chúng
có thể nói năng đủ thứ đủ kiểu.
Nếu chúng ta hiểu được bản chất trẻ thơ là vậy thì chúng ta cứ để cho chúng
tha hồ nói, trẻ con thì cứ nói một cách hồn nhiên tự nhiên như vậy. Khi chúng ta
biết buông bỏ như vậy, chúng ta không còn bận tâm (khó chịu) với chúng nữa.
Chúng ta có thể nói chuyện với khách khứa mà không bị quấy rầy, trong khi
những đứa trẻ đang nói nói chơi đùa. Tâm là như vậy. Nó không nguy hại gì cả,
trừ khi chúng ta cứ nắm bắt nó hay bận tâm vào nó. Chỗ này chính là lý do rắc rối
trong khi thiền.