(Ví dụ, thiền sư đã nói trong lần giảng khác: khi chúng ta dính tâm trân quý
khu vườn cây thì chúng ta đã tạo ra sự “sinh thành”, ta sẽ trở thành sâu bọ hoặc
thành ai đó tái sinh vào vườn cây. Ví dụ khác, vừa nhìn thấy đối tượng sắc dục và
cảm nhận này nọ thì đã tạo ra sự “trở thành”... Sự trở thành là một trong mười hai
mắc xích của vòng nhân duyên).
Nhiều người tu đâm ra chán nản, thấy ngao ngán, mệt mỏi và lười biếng với
việc tu hành. Các thầy đừng nhìn đâu xa, hãy nhìn ngay đây coi những người hầu
như không thể nào giữ được Giáo Pháp trong tâm mình, và khi bị người khác quở
trách vì tu hành chẳng ra sao, họ vẫn còn oán tức cho đến khi chết. Họ có thể bị
quở trách từ lúc nhập Hạ an cư đến khi hết Hạ họ vẫn còn tức tưởi. Có thể suốt
đời họ cũng không quên chuyện đó.
Nhưng khi nói đến những lời dạy của Phật, khuyên dạy chúng ta phải sống
giản dị, sống biết kiềm chế, sống có ý thức lương tâm... tại sao người ta không
thể tiếp nhận những điều đó vào trong trái tim mình? Tại sao những điều căn bản
như vậy thì họ cứ luôn quên? Ngay chỗ căn bản đó, các thầy đừng lo nhìn đâu xa,
nhìn ngay chỗ căn bản tu tập đó. Lấy ví dụ như việc thiết lập các chuẩn mực tu
tập trong chùa: sau khi ăn, trong khi rửa chén đừng nói chuyện! Ngay cả điều này
dường như cũng vượt quá khả năng mọi người, ngay cả điều này mọi người cũng
khó làm theo. Ngay cả khi những người tu đã biết rõ việc nói chuyện tán gẫu
chẳng mang lại ích lợi gì và chỉ trói dính chúng ta vào những tham muốn, tham
dục... nhưng họ vẫn cứ tán gẫu, vẫn nói chuyện liên tục. Mà nói chỉ vài câu là họ
bắt đầu bất đồng ý kiến, người này nói này, người kia góp ý kia, thậm chí trở
thành cãi vả, ghét nhau. Chẳng còn điều gì tệ hơn nữa.
Ở đây chưa nói gì đến những điều vi diệu hay tinh tế, mới nói những chuyện
căn bản mà mọi người còn chưa nỗ lực làm đúng. Họ nói họ muốn nhìn thấy
Giáo Pháp, nhưng họ muốn chứng ngộ Giáo Pháp theo cách riêng của họ, chứ họ
không tu tập vất vả theo con đường tu tập. Vậy đó, họ chỉ đi được tới đó. Họ
không hiểu biết gì, tất cả mọi chuẩn mực tu tập là những phương tiện thiện khéo
để tâm nhập vào và nhìn thấy Giáo Pháp, nhưng mọi người chẳng muốn tu tập
theo đó.
Khi nói chữ ''tu thiệt'' hay ''tu hết mình'' không có nghĩa là bạn phải tiêu tốn
hết tất cả năng lượng—mà chỉ cần bỏ một ít nỗ lực thực sự vào trong tâm, nỗ lực
tu tập với tất cả những cảm nhận khởi sinh trong tâm, đặc biệt đối với những