thấy vui lại. Điều này được gọi là sự ''nhìn thấy bên trong'', nhìn thấy bằng con
mắt của tâm, chứ không nhìn thấy bằng con mắt thường bên ngoài. Vì đã nhìn
thấy bằng con mắt của tâm, nên không cần nhìn thấy nó bằng mắt thường, sự lo
âu đã liền biến mất.
Điều này là tương tự. Khi chúng ta tu tập Giáo Pháp và chứng ngộ Giáo
Pháp, nhìn thấy Giáo Pháp, rồi khi chúng ta gặp một vấn đề chúng ta giải quyết
vấn đề đó ngay lập tức, ngay tại chỗ này và bây giờ. Vấn đề biến mất ngay hoàn
toàn, nó được giải bỏ, được đặt xuống.
Giờ Phật muốn chúng ta tiếp xúc với Giáo Pháp, nhưng mọi người chỉ tiếp
xúc với câu chữ, sách vở và kinh kệ. Đó là những sự tiếp xúc về vấn đề Giáo
Pháp chứ không phải sự tiếp xúc thực thụ với Giáo Pháp. Như vậy làm sao họ có
thể nói mình đang tu giỏi hay tu đúng? Họ đang lạc đường lạc lối, còn lâu mới
đến được Giáo Pháp.
Đức Phật được biết là người hiểu biết thế giới (lokavidū) một cách rõ ràng.
Hiện tại chúng ta nhìn thấy thế giới, đúng vậy, nhưng không rõ ràng. Chúng ta
càng hiểu biết nhiều thì thế giới càng tối mờ đối với chúng ta, bởi sự hiểu biết của
chúng ta là mê mờ, đó không phải là sự hiểu biết rõ ràng. Nó là sự hiểu biết sai
lạc. Đó được gọi là sự ''biết qua bóng tối'', thiếu ánh sáng và sự sáng tỏ.
Mọi người bị dính kẹt chỗ này nhưng đây không phải là chuyện nhỏ. Đó là
vấn đề hệ trọng. Hầu hết ai cũng thích được tốt lành và hạnh phúc, nhưng họ
không biết đâu là nguyên nhân tạo ra sự tốt lành và hạnh phúc đó. Dù là gì đi
nữa, nếu không nhìn thấy mặt nguy hại của nó thì chúng ta không chịu từ bỏ. Dù
thứ gì xấu xa cỡ nào nhưng nếu chúng ta chưa thực sự nhìn thấy sự nguy hại của
nó thì chúng ta vẫn không chịu từ bỏ. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự nhìn thấy
sự nguy hại của nó một cách không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể từ bỏ
nó. Ngay khi nhìn thấy mặt nguy hại của thứ gì và nhìn thấy lợi ích của việc từ bỏ
nó, lúc đó có thể xảy ra sự thay đổi trong ta.
Vì sao chúng ta không thể làm được, tại sao chúng ta không thể buông bỏ?
Bởi vì chúng ta chưa nhìn thấy sự nguy hại của nó một cách rõ ràng, bởi sự hiểu
biết của chúng ta vẫn còn sai lạc, vẫn còn u tối vô minh. Đó là lý do tại sao chúng
ta không thể buông bỏ. Nếu chúng ta hiểu biết rõ ràng như Phật hay A-la-hán thì
chắc chắn sẽ buông bỏ được ngay, chắc chắn mọi khó khổ sẽ giải tỏa hoàn toàn,
không còn chút khó khăn.