canh phòng khỏi bị trộm cắp). Về thực dụng là, ta dùng sự chánh niệm, tức sự
tỉnh giác, để chú-tâm tập trung hội tụ vào thời khắc hiện tại và duy trì sự tự-chủ
của tâm theo cách như vậy. (Tỉnh giác và tự chủ về tâm có nghĩa là tâm làm thiện
làm ác gì tâm/ta điều rõ biết). Làm cho tâm quan sát chính bản thân nó, dùng tâm
chăm nom tâm. Các thầy hãy tập làm tốt việc này.
Nếu tâm này thực sự có khả năng quan sát chính nó, thì sẽ không khó khăn
gì để phòng hộ những hành động và lời nói của chúng ta, bởi tất cả hành động và
lời nói đều do tâm giám sát và chỉ đạo. Giữ Giới hạnh nói cách khác chỉ là sự
canh giữ những hành động và lời nói của chúng ta mà thôi– đó không phải là điều
quá khó khăn. Ta cần duy trì ý thức tỉnh giác trong từng giây phút và trong mọi tư
thế, dù đang đứng, đang đi, đang ngồi, hay đang nằm. Trước khi làm điều gì hay
sắp nói điều gì, hãy thiết lập sự tỉnh giác trước– đừng làm hay nói gì trước, hãy
thiết lập sự chánh niệm trước, rồi mới làm hay nói điều đó. Chúng ta phải có sự
chánh niệm, phải nhớ biết (niệm), trước khi làm điều gì. Cứ thực tập như vậy cho
đến khi mình thành thục. Thực tập để ta có thể theo kịp mọi thứ xảy ra trong tâm,
theo kịp cho đến khi chúng ta có được một trình độ mà sự chánh niệm luôn có
mặt dễ dàng, đến trình độ đó ta không cần nỗ lực mới có được sự chánh niệm
trước khi làm hay trước khi nói điều gì. Đây là cách chúng ta thiết lập sự chánh
niệm trong tâm. Điều này nghĩa là ta đang cùng có mặt với cái ‘người biết’ để
quan sát chính mình, bởi tất cả mọi hành động của chúng ta đều xuất phát từ chỗ
tâm này.
Đây [tâm] chính là nơi xuất phát của tất cả mọi ý-hành của mọi hành động,
và đây là lý do tại sao việc tu tập sẽ không thành nếu chúng ta cố đưa người ngoài
vào làm cái công việc đó. Phải để tâm tự quán sát chính nó. Chính tâm phải làm
công việc quan sát chính nó; nếu tâm không thể chăm nom chính nó thì không ai
có thể làm được!. Đây là lý do tại sao Phật đã dạy rằng việc giữ giới hạnh là
không khó, bởi đó điều đó chỉ có nghĩa là canh giữ cái tâm của chính mình.
(Quan sát được tâm thì nhìn thấy trước hành động và lời nói là có giới hạnh hay
không, nhờ đó ta làm và nói đúng với giới hạnh). Khi sự chánh niệm được thiết
lập một cách đầy đủ, thì nếu khi ta nói hay làm điều gì có hại cho mình hay người
khác, ta biết ngay điều đó. Ta sẽ biết ngay điều gì là đúng và điều gì là sai. Đây là
cách chúng ta giữ giới. Các thầy phải thực tập bằng thân và lời nói từ mức độ căn
bản nhất.