đúng sai chính là điều các thầy đã nắm giữ như là đối-tượng của tâm. Nếu các
thầy tập trung theo cách này và áp dụng chính mình vào cách tu này một cách
vững chắc và không lay chuyển, thì có nghĩa là tâm đã thực sự trở thành Giới,
Định, Tuệ- đó là ba mảng [đặc tính của việc] tu tập đã được miêu tả trong giáo lý
truyền thống.
Khi các thầy tiếp tục duy trì và phát triển việc tu tập như vậy, những đặc tính
và phẩm hạnh khác nhau đó sẽ được hoàn thiện trong tâm. Tuy nhiên, việc tu tập
giới, định, tuệ ở trình độ này là chưa đủ để làm khởi sinh những yếu tố của tầng
thiền định (jhāna)
– lúc này sự tu tập vẫn còn khá thô tế. Nói vậy chứ tâm lúc
này đã khá tinh tế- nhưng vẫn mới là mặt tinh tế của sự thô tế, tinh tế so với thô
tế! Đối với một người chưa giác ngộ, người chưa thực sự theo dõi nắm bắt kịp cái
tâm của mình, hoặc chưa thiền tập nhiều và chưa tu tập sự chánh niệm được
nhiều, thì mức độ tinh tế này cũng đã khá là trong sạch, tinh tế. Giống như một
người nghèo có được hai hay ba đồng tiền là cũng được lắm rồi, mặc dù đối với
kẻ triệu phú thì đó chẳng là gì cả. Trình độ trên giống kiểu vậy đó. Nó vẫn còn
chưa là gì thực thâm sâu, nhưng trình độ đó cũng đã là khá tốt và đáng khen ngợi.
Ở những giai đoạn tu ban đầu, người tu chỉ có thể loại bỏ được những ô nhiễm
thô tế, nhưng mức đó cũng đã khá sâu sắc đối với một người chưa giác ngộ, và
đặc biệt khá quý hiếm đối với những ai chưa bao giờ tu tập hoặc chưa bao giờ
biết trừ bỏ những thói tâm ô nhiễm bất thiện. Ở trình độ này, người tu có thể cảm
nhận một cảm giác thỏa mãn và có thể tu tập hết năng lực của mình. Đây là điều
các thầy sẽ tự mình trải nghiệm nếu tu được đến đó; đây là điều phải được trải
nghiệm bằng chính tâm của người tu. Tôi không cần tả thêm làm gì.
Nếu được như vậy, điều này có nghĩa là các thầy đang tu đúng đường, đang
bước đi trên con đường đạo: tu tập giới, định, tuệ. Ba phần này được tu tập đồng
thời với nhau, bởi nếu thiếu phần nào thì sự tu tập sẽ không tiến triển đúng đắn.
Giới hạnh càng cải thiện thì tâm càng trở nên vững chắc. Tâm càng vững chắc thì
trí tuệ càng sâu sắc...mỗi phần tu tập hỗ trợ và xúc tiến những phần khác. Cuối
cùng, bởi ba phần tu tập này là liên quan mật thiết với nhau nên ba chữ [giới,
định, tuệ] đó cũng trở thành đồng nghĩa. Đây là phẩm chất của việc tu hành đúng
đắn, là sammā patipadā; lúc này người tu đang tu tập một cách liên tục, không hề
buông lỏng nỗ lực tinh tấn của mình.