động nó trước khi nó có thể tác động xuống thân. Khi ta tiếp tục hướng sự chú
tâm vào bên trong và suy xét quán chiếu về Giáo Pháp (sự thật, lẽ thật, quy luật),
căn trí tuệ sẽ dần dần trưởng thành chín chắn, và cuối cùng chỉ còn lại mình ta
đang quán xét cái tâm và những đối-tượng-tâm; Có nghĩa người tu bắt đầu trải
nghiệm thân là sắc pháp (rūpa- dhamma) giống như trải nghiệm những phi sắc
pháp (arūpa- dhamma). Bằng trí tuệ minh sát, lúc này người tu không còn dò
dẫm hoặc không chắc trong sự hiểu biết của mình về thân và bản chất của thân.
(Nói cách khác, người tu ở thời điểm này đã hoàn toàn chắc chắn về trí tuệ của
mình đối với thân và mọi sự hành vi của nó). Tâm lúc này trải nghiệm những đặc
tính của sắc thân như thứ phi-sắc (arūpa), nó trải nghiệm thân sắc như là thứ phi
sắc [arūpa-dhamma: những đối tượng vô sắc vô hình] tiếp xúc với tâm. Cuối
cùng thì chỉ còn ta đang quán xét duy nhất cái tâm và những đối-tượng-tâm [đó là
những đối tượng đi vào tâm thức của ta].
Bây giờ, hãy xem xét về bản chất tự nhiên của tâm, chúng ta có thể quan sát
và thấy rằng: khi ở trong bản chất tự nhiên của nó, tâm không có thứ gì chiếm
ngự trong đó, không có sự gì có mặt bên trong nó. Giống như một lá cờ hay một
miếng vải được cột vào đầu cái cột. Khi không có sự gì tác động, nó cứ nằm yên
và vô sự, chẳng có gì xảy ra ỏ nó. Cũng giống như chiếc lá trên cây—bình
thường nó cứ ở đó yên lặng và vô sự. Nếu nó động đậy hay phất phơ thì đó là do
có gió, do lực tác động bên ngoài. Bình thường không có gió chiếc lá luôn nằm
yên, không động đậy gì hết. Lá cờ, miếng vải, hay chiếc lá chẳng đi dính líu gì
với ai hay thứ gì cả. Khi nó bắt đầu động đậy, chắc chắn phải do yếu tố tác động
bên ngoài, ví dụ như gió, gió làm nó lay động, phất phơ tới lui. Trong trạng thái
tự nhiên của tâm, nó cũng y như vậy, nó chẳng đi dính líu gì ai hay thứ gì cả--
bên trong nó, không có sự thương hay sự ghét, nó cũng không tìm cách thương
hay ghét ai hoặc thứ gì. Tâm là độc lập, nó tồn tại trong trạng thái tinh khiết: thực
sự trong sáng, sáng tỏ, và vô nhiễm. Trong trạng thái tinh khiết tự nhiên của nó,
tâm là bình an, không có khổ hay sướng gì trong nó– đúng thực thì nó chẳng trải
nghiệm một cảm giác (vedanā, cảm thọ) nào cả. Đó là trạng thái nguyên thủy
đích thực của cái tâm.
Rồi vậy thì, mục-đích của việc tu tập là đi tìm vào bên trong, tìm kiếm và
điều tra cho đến khi nào ta đạt đến cái tâm nguyên thủy đó. Cái tâm nguyên thủy
đó (cái ‘tâm xưa’, ‘chân tâm’) được biết là một cái tâm tinh khiết và vô nhiễm.