Tâm tinh khiết là tâm không hề dính cái gì, không dính ô nhiễm, không dính
ràng buộc nào cả. Nó không (chưa) bị tác động bởi những đối-tượng-tâm. Nói
cách khác, nó không hề chạy theo những đối-tượng-tâm (gây) dễ chịu hay khó
chịu, nó không chạy theo khổ hay sướng gì hết. Hơn nữa, tâm đó là tâm luôn luôn
ở trong trạng thái thấy-biết liên-tục và tỉnh- thức thường-trực—nó chánh niệm
thấu suốt về tất cả mọi thứ nó trải nghiệm. Khi tâm ở (đạt) trạng thái này, không
có đối-tượng-tâm nào [dù dễ chịu hay khó chịu] có khả năng tác động hay quấy
nhiễu nó cả. Tâm sẽ không tạo tác hay ‘trở thành’ bất cứ thứ gì cả. Tại sao? Bởi
vì đã có mặt sự tỉnh-giác. Tâm thấy biết rõ về bản thân nó là tinh khiết. Nó chỉ
dính líu vào chính nó mà thôi, đó là một sự độc lập đích thực; nó đã đạt đến trạng
thái nguyên thủy của nó. Làm cách nào người tu chúng ta có thể mang về lại cái
trạng thái nguyên thủy của chân tâm đó? Phương pháp đó là: chúng ta nhờ cái
căn chánh niệm biết khôn khéo suy xét, quán chiếu và nhìn thấy rõ rằng: tất cả
mọi thứ mọi sự chỉ là những tình trạng được khởi sinh từ những của những yếu tố
tác động khác nhau, chứ không có một ‘ai’ điều khiển những trạng thái đó cả.
Đây là cách chúng ta nhìn nhận và trải nghiệm với mọi sự sướng và khổ.
Khi những trạng thái tâm khởi sinh, chúng chỉ đơn giản là 'sướng', là 'khổ'. Chẳng
ai là chủ của sướng. Chẳng ai là chủ của khổ. Tâm không phải là chủ nhân của
khổ, của sướng cả-- những trạng thái tâm là không thuộc về tâm. Hãy tự mình
nhìn vào nó. Về thực tại, những trạng thái sướng khổ không phải là sự gì của tâm
cả; tâm và những trạng thái của tâm là riêng nhau và riêng biệt. Sướng chỉ là
trạng thái sướng; khổ chỉ là trạng thái khổ. Ta chỉ cần là cái ‘người-biết’ về
những điều đó. Trước đây, vì các gốc rễ tham, sân, si đã có sẵn bên trong tâm,
nên hễ khi ta vừa thấy một đối-tượng-tâm, dù hơi đễ chịu hay hơi khó chịu, thì
tâm lập tức phản ứng theo liền– Ta lập tức nắm lấy nó và ta phải nếm trải sướng
hay khổ. Ta cứ mãi mãi dính chấp vào những trạng thái sướng và khổ. Cứ như
vậy, chừng nào tâm còn chưa tự thấy biết được chính nó thì nó vẫn cứ vậy hoài—
chừng nào tâm còn ngu mờ, còn chưa sáng tỏ, và chưa tự chiếu sáng, thì ta cứ
còn mãi như vậy. Lúc đó tâm vẫn chưa được tự do tự tại. Nó vẫn luôn bị tác động
bởi mọi đối tượng mà nó nó trải nghiệm. Nói cách khác, nó chưa có nơi nương
tựa, nó chưa có khả năng dựa vào chính mình. Hễ khi ta có một cảm nhận sướng,
ta chìm nghỉm vào trạng thái sướng đó ngay. Tâm quên mất chính mình.