trầm). Nếu có nhiều thức ăn thì ăn ít thôi, sang sẻ cho người khác. Tại sao phải
rước khổ vô thân mình khi đang mình đang thiền tập? Làm vậy thì đâu được bình
an. Cái gì là không bình an? Hãy chọn ăn một phần thích hợp và chừa thức ăn
cho người khác. Nếu đi tu đến giờ này mà vẫn còn thèm khát thức ăn hoặc còn
thấy không vui khi nhường thức ăn cho người khác, thì dĩ nhiên việc tu tập là khó
khăn rồi. Nếu các thầy vẫn còn thích nếm món này, muốn ăn món kia, không
muốn ăn ít món, vì vậy các thầy lấy đủ loại thức ăn đổ vào bình bát; rốt cuộc
nhiều vị quá chẳng có vị nào là còn ngon lành nữa. Vì lẽ đó, các thầy nên rút ra
rằng: nếu mình được cúng dường quá nhiều thức ăn thì điều đó chỉ làm xao lãng
cái tâm và mang lại nhiều rắc rối mà thôi. Tại sao bị xao lãng và rắc rối? Đó là do
ta để cho cái tâm bị quấy động bởi thức ăn. Bản thân thức ăn có bao giờ bị xao
lãng hay rắc rối không? Buồn cười thiệt, đó là do ta tự gây ra mọi sự khó khổ cái
sự không có gì.
Khi có nhiều người đến thăm chùa, các thầy nói rằng điều đó gây quấy
nhiễu. Sự quấy nhiễu từ đâu ra? Thực ra, làm theo những chuẩn mực tu tập hàng
ngày mới thiệt là thẳng thắn. Các thầy không cần phải quan trọng hóa những điều
đó, ai đến ai đi cứ việc của họ: ta cứ sáng đi khất thực rồi mang thức ăn về chùa
và ăn, cứ làm mọi phận sự và tu tập với sự chánh niệm, và cứ làm như vậy. Các
thầy phải nhớ đừng bỏ qua hoặc lướt qua những chuẩn mực tu tập hàng ngày ở
trong chùa (tu viện). Ví dụ, vào buổi tối trong giờ tụng kinh lễ Phật, sự chánh
niệm của mình có bị rớt hay bị gián đoạn hay không? Nếu các thầy thấy thời tụng
kinh vào buổi sáng và buổi tối làm cho việc thiền tập của mình bị gián đoạn, nếu
nghĩ như vậy thì chắc chắn các thầy vẫn chưa học được cách thiền tập. Trong
những buổi gặp nhau hàng ngày để tụng kinh tưởng niệm Tam Bảo và các phận
sự khác trong chùa là những hoạt động cực kỳ lành mạnh, như vậy những việc đó
đâu phải là nguyên nhân làm cho các thầy bị rớt định hay mất định (samādhi),
đúng không? Nếu các thầy nghĩ mỗi lần đến sảnh đường gặp mặt các đạo hữu là
sẽ làm xao lãng sự tu tập của mình, nếu nghĩ vậy thì các thầy nên nhìn lại. Không
phải do những thời lễ lạy tụng kinh làm khó chịu và làm xao lãng các thầy, mà
chính các thầy tự làm ra. Nếu các thầy cứ để cho những ý nghĩ bất thiện đó quấy
động cái tâm, thì mọi sự sẽ trở nên gây khó chịu và xao lãng—chỉ cần nghĩ như
vậy thì dù không đi tới chỗ tụng kinh, tâm các thầy cũng đã tự xao lãng và động
vọng rồi.