Các thầy phải biết học cách suy xét một cách khôn khéo và giữ cho tâm
trong trạng thái lành mạnh. Mọi người đều dính kẹt trong những trạng thái ngu
mờ và động vọng, đặc biệt là những người mới tu. Thực tế xảy ra là các thầy cứ
để cho cái tâm chạy nhảy ra ngoài và va chạm với tất cả mọi thứ mọi sự, rồi tự nó
‘quậy’ nó lên. Khi các thầy đến tu với một tăng đoàn ở chùa nào đó, các thầy phải
nhất nhất quyết tâm rằng mình đến đó để tu, và phải tu liên tục. Dù ai tu đúng tu
sai gì gì, đó là chuyện của họ. Cứ duy trì nỗ lực tu hành, tu theo những hướng
dẫn và chuẩn mực của chùa, và nếu được cũng nên trợ giúp bạn tu bằng những
lời khuyên tốt mình có thể có. Nếu ai không thích ở lại đây để tu thì người đó
hoàn toàn tự do để đi tìm chỗ khác. Ở đây tu không hạnh phúc thì đi chỗ khác có
thể thích hợp hơn. Còn nếu ai thích ở lại đây tu thì ở lại tu, và tiếp tục tu hành.
Sẽ cực kỳ hữu ích cho một tăng đoàn nếu nó có một số tăng sĩ luôn biết tự
chủ và luôn biết tự mình tu tập một cách đều đặn và kiên định. Những tăng sĩ còn
lại sẽ nhìn thấy và bắt đầu lấy những gương tốt đó để noi theo tu tập. Họ sẽ quan
sát những gương tốt và hỏi những người đó cách tu để duy trì cảm giác thư thái
trong khi đang tu tập chánh-niệm. Làm gương tốt cho các bạn tu noi theo là điều
ích lợi nhất mà một người tu có thể làm cho các đạo hữu của mình. Nếu mình
còn là sư em sư chú trẻ tuổi thì mình nên tu tập theo những chuẩn mực trong nhà
chùa, mình phải làm theo sự chỉ dắt của các sư huynh sư phụ thâm niên, và đưa
nhiều nỗ lực để tu tập theo các chuẩn mực đó. Bất kỳ công việc tu và phận sự nào
mình cũng làm, làm đến lúc nào xong thì mình ngừng. Các thầy nên tập nói
những điều thích hợp và hữu ích; huấn luyện bản thân kiêng cữ những lời nói
không thích hợp và có hại. Đừng để những lời nói không đúng đắn thoát ra khỏi
miệng. Không cần ăn nhiều quá trong bữa ăn—chỉ chọn một ít thức ăn phù hợp
và nhường phần cho người khác. Tôi cứ nói lại nhiều lần, khi bữa nào có nhiều
thức ăn thì chúng ta có xu hướng muốn nếm muốn ăn mọi thứ, cho nên chúng ta
lấy đủ mọi thứ đưa vào bình bát để chúng ta ăn được đủ món. Mỗi khi nghe
những câu mời như ''Mời thầy lấy thêm món này'', ''Mời sư ăn thêm món ngon
này''... nếu không biết suy xét cẩn trọng thì những lời mời đó sẽ quấy động cái
tâm (tham ăn tham uống) của ta. Điều cần làm là phải biết buông bỏ. Tại sao
chúng ta thường dính vào chỗ này? Chúng ta nghĩ chính những món ăn đang
quấy động tâm ta, nhưng cái gốc của vấn đề là liệu ta có biết buông bỏ hay muốn
để dính vào các món ăn. Nếu có thể suy xét và nhận biết bản thân mình đang
buông bỏ hay đang dính, thì cuộc sống tu hành của các thầy sẽ dễ dàng hơn