sau đó, sự hiểu biết và trí tuệ minh sát sẽ nổi lên ngay chính giữa đồng rác bao
trùm của ba đặc tính đó—đó là trí tuệ mới hé lên, như ánh sáng hừng đông mới
hé sáng mờ mờ ở nơi chân trời xa. Ở giai đoạn ban đầu này, trí tuệ vẫn còn yếu và
mới hé, nhưng chính lúc này các thầy phải duy trì sự tu tập một cách đều đặn,
kiên định. Chỗ này thực tế, nhưng khó diễn đạt bằng lời; nhưng ví dụ thì rất dễ:
cũng giống như có người muốn biết nhiều về tôi, thì người đó đến đây ở đều đặn
và thường xuyên, rồi dần dần sẽ biết rõ về tôi. Cứ tu và duy trì trạng thái hé mở
trí tuệ đó, dần dần trí tuệ siêu việt hơn sẽ tự khởi sinh và sáng bừng hơn trong
tâm bạn. Lý tu chỗ này là vậy. Sự đều đặn và kiên định.
Tôn Trọng Truyền Thống, Truyền Thừa
Thời chúng ta bắt đầu thiền tập là thời cao đẹp nhất của đời người. Thiền để
hiểu biết, thiền để buông bỏ, thiền để từ bỏ, và để được bình an.
Tôi đã từng là một tu sĩ lang thang. Tôi đi bộ trên chân trần đến gặp các sư
thầy và tìm nơi ẩn dật để tu. Lúc đó tôi chẳng bao giờ đi dạo quanh làng xóm hay
phố thị để giảng pháp giảng đạo gì cả. Tôi chỉ lo đi tìm nơi để lắng nghe giáo
pháp do những vị thiền sư bậc chân tu lúc đó giảng dạy. Tôi không đi đến đâu để
dạy ai cả. Tôi lắng nghe tất cả mọi lời khuyên dạy họ nói cho ra. Ngay cả những
điều những tu sĩ trẻ măng hoặc các chú tiểu cố nói với tôi về Giáo Pháp, tôi cũng
lắng nghe một cách kiên nhẫn. Tuy nhiên, ít khi nào tôi nhảy vào lý luận hay
phân giải với nhau về Giáo Pháp. Tôi chẳng thấy có ích gì nếu cứ nhào vô bàn
thảo lý sự về giáo lý cho hết giờ hết ngày. Có giáo lý nào tôi đã chấp nhận thì tôi
đi thẳng vào đó, đi thẳng vào ngay chỗ chúng chỉ ra sự từ bỏ và sự buông bỏ. Bất
cứ điều gì tôi làm, tôi làm vì sự từ bỏ và sự buông bỏ. Tôi tu tập mọi thứ vì mục
đích hướng đến sự từ bỏ và sự buông bỏ. Chúng ta không cần phải trở thành
chuyên gia về kinh điển. Chúng ta đang già đi sau mỗi ngày trôi qua, và mỗi ngày
chúng ta cứ chụp lấy vọng tưởng, bỏ quên mất sự thực. Tu tập theo Giáo Pháp là
điều khác hẳn với việc học Giáo Pháp. Học giáo lý là một chuyện, thực hành nó
là chuyện khác.
Tôi không chê bất kỳ dạng nào trong đa dạng những kiểu cách và kỹ thuật
thiền tập đang có khắp nơi. Chừng nào chúng ta hiểu đúng mục đích và ý nghĩ
thực thụ của các pháp môn đó, thì chúng cũng không sai. Tuy nhiên, nếu chúng ta
tự nhận mình là một thiền nhân Phật giáo mà chúng ta không tuân thủ nghiêm túc
theo tinh thần của giới luật tăng đoàn (Vinaya) thì, theo tôi, sẽ không thành công