LẼ SINH DIỆT, LÝ TU HÀNH - Trang 740

những người đã biết nắm vững cái tâm, tiến trình quán xét và điều tra này tự trôi
chảy một cách tự động. Lúc này không còn cần thiết phải điều khiển nó theo ý
mình. Dù tâm có thiên (ngã, hướng) về mảng (vấn đề, phạm vi) nào đi nữa, sự
quán xét sẽ lập tức có mặt theo sát một cách nhạy bén.

Khi người tu đã tu tập được đến trình độ này, nhiều lợi ích phụ cũng tự

nhiên có được. Ví dụ như khi ngủ, người ấy không còn những tật ngủ ngáy,
không còn lăn lộn trở mình như trước đó. Ngay cả khi người ấy ngủ say sưa, khi
thức dậy không bị ngái ngủ hay nhừ nhừ. Tu được đến lúc đó, chúng ta luôn tỉnh
thức, cứ như ta luôn luôn thức chứ không ngủ vậy. Tôi từng bị tật ngủ ngáy,
nhưng khi tâm luôn duy trì tỉnh thức thì tật ngáy đó không còn. Làm sao chúng ta
có thể ngáy trong khi tâm mình luôn tỉnh thức? Lúc đó ta ngủ chỉ là thân ngừng
lại và nghỉ ngủ; chứ tâm thì vẫn tỉnh thức. Tâm tỉnh thức cả ngày và đêm, suốt
hai mươi bốn giờ. Đây chính là loại tỉnh giác tinh khiết và cao sâu của Đức Phật:
là cái Người Biết, Người Tỉnh Giác, Người Hạnh Phúc, Người Tỏa Sáng. Sự tỉnh
giác sáng rõ này không bao giờ ngủ. Năng lượng của nó tự duy trì, và nó chẳng
bao giờ mờ tối hay ngái ngủ. Đến giai đoạn này, người tu có thể đi liên tục hai, ba
ngày mà không cần ngừng nghỉ. Lúc này, khi nào thân bắt đầu có dấu hiệu kiệt
sức, chúng ta ngồi xuống thiền và chỉ cần sau năm hay mười phút ta sẽ đạt định
thâm sâu. Khi chúng ta thoát ra khỏi trạng thái định sâu đó, chúng ta cảm thấy
tươi mới, khỏe khoắn và đầy năng lượng tái tạo, giống như chúng ta mới ngủ sâu
nguyên một đêm vậy. Nếu chúng ta vượt qua (không còn) nhiều sự quan tâm lo
lắng đối với thân, thì việc ngủ nghỉ không còn nhiều quan trọng nữa. Lúc này,
chúng ta vẫn còn chăm sóc thân bằng những cách đúng đắn (như ăn uống, tắm
rửa, thuốc thang...), nhưng chúng ta không còn lo âu khổ đau về tình trạng thể
chất của thân nữa. Chúng ta chấp nhận nhìn nó đi theo những quy luật tự nhiên
của nó. Chúng ta không còn khiến hay chỉ bảo thân thể phải như này như nọ. Nó
tự chỉ bảo nó. Dường như có ai đó đang thúc giục chúng ta, thúc bách chúng ta
phải nỗ lực tinh tấn hơn nữa. Ngay cả khi ta thấy lười biếng, dường như luôn có
giọng nói nào đó bên trong thúc đẩy chúng ta siêng năng tinh tấn. Sự đình trệ lúc
này khó có thể xảy ra, bởi sự nỗ lực và tinh tấn đã hợp thành một cái đà mạnh mẽ
khó dừng lại được. Giống như những nguồn nước chảy nhanh đang hợp lại thành
dòng chảy mạnh thì khó mà dừng lại hay chảy ì ạch. Các thầy hãy tu và tự mình
kiểm nghiệm thấy chỗ này. Các thầy đã học và nghiên cứu kinh sách từ lâu rồi.
Giờ là đến lúc các thầy hãy học và nghiên cứu chính bản thân mình.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.