làm điều đó bằng tay chân, miệng hay bằng tâm ý thì chúng ta đang tạo nghiệp
nào đó. Sự ngu mờ vô minh (avijjā) đã điều khiển chúng ta lúc đó. Nếu ta có
xung động muốn ăn cắp và ta lập tức ý thức rõ về bản thân mình và ý thức rõ điều
đó là sai trái, thì đây là trí tuệ, và đây là sự hiểu biết minh mẫn (vijjā) chứ không
phải vô minh (avijjā). Xung động thuộc tâm chưa được tạo tác thành nghiệp.
Đây là sự ý-thức đúng lúc, sự tỉnh-giác đúng lúc, là nhờ trí tuệ khởi sinh và
thông báo cho ta về trải nghiệm mà ta sắp làm. Nếu có khoảng-khắc tâm [sát-na
tâm] đầu tiên muốn ăn cắp cái gì và rồi chúng ta hành động theo đó, thì đó là một
pháp vô minh. Ta đã tạo nghiệp vì do ngu mờ. Những hành động của thân, lời nói
và tâm ý theo sau xung động đó sẽ tạo ra những kết quả tiêu cực và những nghiệp
xấu.
Cách tạo nghiệp là vậy. Chỉ mới ý nghĩ xấu thì chưa tạo nghiệp xấu. Nếu
chúng ta không có những ý nghĩ thì làm sao phát triển trí tuệ? Một số người chỉ
muốn ngồi với một cái tâm trống không. Điều đó là hiểu sai. (Đâu có ai ngồi
thiền với một cái tâm trống không như vậy. Luôn luôn có những xung động và ý
nghĩ khởi sinh trong tâm.)
Tôi đang nói về sự định tâm, tức trạng thái định (samādhi) có đi kèm với trí
tuệ. Thực ra, Phật không mong muốn có nhiều định. Phật không muốn các tầng
thiền định (jhāna) và siêu định (samāpatti). Phật nhìn thấy định (chánh định) là
một phần của con đường đạo. Giới, Định, Tuệ là những phần hay thành phần, nó
giống như những thành phần nguyên liệu để nấu món ăn. Chúng ta dùng những
thành phần gia vị để nấu món ăn thơm ngon. Những thành phần là quan trọng,
nhưng mục tiêu là món ăn chúng ta ăn. Việc tu tập phần định tâm cũng tương tự
như vậy. Định chỉ là một phần góp để dẫn đến mục tiêu giác ngộ sau cùng.
Những vị thầy của Phật trước kia, ngài Uddaka và ngài Ālāra, đã nhấn mạnh việc
tu thiền định để đạt đến những tầng thiền định (jhāna) và chứng đắc nhiều loại
năng lực siêu thường như thần thông và thần nhãn nhìn thấy những thứ vô hình...
Nhưng nếu ai tu thiền định quá xa như vậy, họ sẽ khó quay trở lại. Một số nơi dạy
thiền định thâm sâu, cứ ngồi chìm đắm trong sự khoái lạc của tĩnh lặng (tịnh tịch
trú). Những người tu thiền mà mê đắm trạng thái định sâu (samādhi) như vậy sẽ
bị ngộ độc bởi trạng thái định của họ. Nếu họ có giới hạnh (sīla) họ sẽ bị ngộ độc
bởi giới hạnh của họ. Nếu họ bước đi trên đường tu, họ sẽ bị ngộ độc bởi con
đường đạo đó, bị mê hoặc bởi cái vẻ đẹp và sự kỳ diệu mà họ trải nghiệm trên