giống như vầy: dù quý vị đang làm gì, nếu quý vị làm với một cái tâm buông bỏ
thì điều đó mới tạo nhân duyên dẫn đến Niết-bàn giải thoát. Giải thoát, không
còn tham muốn, không còn ô nhiễm, không còn dục vọng, rồi tất cả sẽ hợp nhập
vào con đường đạo, tức là Bát Thánh Đạo, tức là chân pháp (saccadhamma). Đây
là chỗ Tứ Diệu Đế nói đến: có trí tuệ hiểu biết về dục vọng (tanhā), đó chính là
nguồn gốc của khổ (dukkha). Ba loại dục vọng chính: (i) dục vọng khoái lạc giác
quan hay nhục dục (kāmatanhā), (ii) dục vọng muốn được sống và được tái sinh
tốt hơn (bhavatanhā), (iii) dục vọng vì không được sống và không được tái sinh,
coi như chết là hết (vibhavatanhā). Ba loại dục vọng đó chính là nguồn gốc và
nguyên nhân tạo ra khổ. Nếu quý vị đến gần dục vọng, nếu quý vị còn tham muốn
được này được nọ hay trở thành này thành nọ, thì quý vị chỉ đang nuôi dưỡng
thêm sự khổ, đang tạo thêm khổ, bởi những tham muốn đó là thứ gây ra khổ.
Những tham muốn dục vọng đó chính là nguyên nhân. Nếu chúng ta tạo ra nhiều
nguyên nhân của khổ, thì lẽ nhiên khổ sẽ xảy ra. Đó là lý nhân quả. Ví dụ như
loại dục vọng thứ ba: vibhavatanhā: dục vọng vì không được tái sinh, dục vọng
vì cho rằng chết là hết, chẳng sợ có trả báo trả nghiệp gì hết. Chính loại dục vọng
này làm cho người ta cứ tham muốn tận cùng và làm mọi thứ để có được sự
hưởng thụ khoái lạc trong kiếp này, họ tạo ra đủ loại nghiệp xấu ác, và cuối cùng
tất cả càng sinh ra rất nhiều khổ đau. Nói đơn giản, khổ là con đẻ của dục vọng.
Khi có cha mẹ, khi có những tham muốn, khổ được sinh ra ngay. Khi nào không
còn cha mẹ, nguồn gốc thì khổ không còn được sinh ra—không còn sinh ra con
cái nữa.
Đây chính là chỗ để thiền tập. Chúng ta cần nhìn thấy tất cả mọi dạng dục
vọng (tanha) khiến cho ta có những tham muốn. Nhưng khi nói về tham muốn thì
dễ làm mọi người hiểu lầm. Một số người cho rằng bất kỳ loại tham muốn nào
cũng là dục vọng, ví dụ như muốn có thức ăn để, muốn có tiện nghi nhà cửa để ở,
muốn được an sinh. Chúng ta có thể có những loại tham muốn này theo cách tự
nhiên và bình thường của chúng ta. Khi đói chúng ta muốn có thức ăn, chúng ta
ăn và rồi xong. Đó là điều bình thường. Đây là tham muốn nằm trong giới hạn
chấp nhận được và nó không gây ra những hậu quả xấu ác. Loại tham muốn này
không phải thuộc về nhục dục hay khoái lạc. Nhưng nếu nó thuộc loại nhục dục
hay khoái lạc giác quan thì nó trở thành thứ gì hơn là sự tham muốn bình thường.
(Có người ăn đủ, ăn lành mạnh để sống, điều đó là bình thường để sinh tồn.
Nhưng cũng có người như sống để ăn; luôn thèm muốn ăn những đồ ngon đồ