trọng và giữ giới hạnh để giữ mình. Khi cái tâm tham nắm điều gì và chạy theo
nó, ta phải biết dừng nó lại. Tâm sẽ cương lại và tranh đấu này nọ với ta, nhưng
ta phải đứng trụ vững đôi chân để kiềm giữ nó lại. Ta đứng vững ngay giữa
đường tâm đi qua đi lại. Dẹp bỏ những thứ sướng khoái giác quan qua một bên.
Dẹp bỏ những điều khổ hạnh khổ thân qua một bên. Sướng cũng không theo, khổ
cũng không theo. Dẹp thương qua một bên, dẹp ghét qua một bên. Dẹp sướng
qua một bên, dẹp khổ qua một bên. Cứ giữ mình ở giữa, cứ bước đi giữa tim
đường, không phất phơ hay ngã hướng theo bên nào. Giữ mình ở giữa, không để
tâm chạy theo cực đoan nào. Đó là trung đạo.
Giống như những thân thể của chúng ta, chỉ gồm: đất, nước, gió, lửa—làm
gì có ‘con người’ nào? Chẳng có ‘ai’ cả. Chỉ vài thứ như vậy kết hợp với nhau
tạo thành một cái mà chúng ta gọi là một ‘con người’ hay một ‘cá nhân’. Điều đó
là sai. Đâu phải là một ‘ai’ cố định đâu. Đâu phải là thiệt; đó chỉ là thiệt theo cách
nghĩ và quy ước của thế tục. Đến lúc nào đó, những thành phần đó tan rã về lại
trạng thái cũ của chúng: đâu còn cái ‘con người’ nào đâu. Chúng ta đến ở trong
thân này trong một thời gian, rồi trong một mai hữu hạn chúng ta lại ra đi, bỏ lại
bốn yếu tố tứ đại đó. Phần đất quay về với đất, phần nước quay về với nước, phần
khí quay về với khí, phần nhiệt quay về với nhiệt. Quý vị muốn chạy theo chúng
hay cố giữ chúng lại có được không? Chúng ta tới sống nương nhờ vào chúng
trong một thời gian; đến lúc chúng tan hoại bỏ đi, chúng ta phải để chúng đi. Khi
chúng đến, chúng ta cứ để chúng đến. Chúng hợp rồi tan theo đường lối tự nhiên
của chúng, ta đâu làm gì được, ta đâu làm gì được để giữ chúng lại mãi mãi, để
sống trường thọ mãi mãi với thân này. Tất cả mọi hiện tượng đều có rồi mất, đến
rồi đi, sinh rồi diệt. Đó là lẽ sinh diệt. Đó là tự tính, là thực tính (sabhāva) của tất
cả mọi thứ trên đời. Tất cả chỉ là vậy. Chỉ là những sự đến-đi, có-mất, sinh-diệt
liên tục. Chúng ta hiểu biết rằng tất cả mọi thứ đều đang trôi chảy qua, đều đang
khởi sinh và biến diệt; mọi sự đang có mặt thực tánh chỉ là những sự đang-sinh-
diệt mà thôi. Đâu phải là ‘cái gì’ khác đâu.
Bố thí, cúng dường, lắng ghe giáo pháp, thiền tập, bất cứ việc tu nào chúng
ta làm, hãy làm với mục đích phát triển trí tuệ. Phát triển trí tuệ là cho mục đích
giải thoát, đó là sự tự do khỏi những điều kiện tạo tác và những hiện tượng hữu vi
trên thế gian. Khi chúng ta đã được tự do tự tại thì dù chúng ta đang ở trong tình
trạng nào chúng ta cũng không khổ đau. Nếu chúng ta có con cái, ta không thấy