nhắm đến mục tiêu rốt ráo là Niết-bàn. Nếu chỉ muốn nhắm đến phần giới hạnh
và định tâm, thì chúng ta sẽ còn lẩn quẩn trong những pháp thế tục này, vẫn quay
về chỗ cũ. Không cần thiết nhắm đến việc chứng đắc những phần thế tục đó—
chúng ta chỉ nên nhắm đến chỗ chấm dứt, chỗ rốt ráo, đó là Niết-bàn giải thoát.
Tình trạng chúng ta là như vầy. Sự sống của chúng ta là một tiến trình trở
thành và sinh thành liên tục. Trong suốt cả tiến trình trở thành (nghiệp hữu) và
sinh thành (tái sinh) liên tục đó, chúng ta luôn luôn lo âu sợ hãi về rất nhiều điều
nhiều thứ. (Cuộc đời chỉ là những chuỗi dài âu lo đằng sau một số khoái sướng và
hạnh phúc có mất liên tục). Khi có chia cách chia ly, khi có ai chết, chúng ta khóc
than và sầu khổ. Tôi thường nghĩ rằng, điều đó thiệt là ngu. Chúng ta khóc than
về cái gì? Quý vị nghĩ người ta sống rồi sẽ đi về đâu? Nếu mọi người vẫn còn tạo
nghiệp, vẫn còn trở thành và tái sinh, vẫn còn lẩn quẩn trong vòng tử sinh thì họ
đâu có thực sự đi đâu. (Họ chưa có khả năng biến mất như những bậc giải thoát
A-la-hán). Khi con cái ở quê lớn lên, chúng đi học đi làm ở thủ đô Bangkok,
chúng vẫn nghĩ về cha mẹ. Chúng đâu nhớ đến cha mẹ ai khác ngoài cha mẹ
mình. Khi chúng về quê, chúng về lại nhà của cha mẹ mình chứ đâu về nhà người
khác. Rồi khi chúng phải lên lại thủ đô, chúng lại nghĩ nhớ đến cha mẹ của mình
ở miền quê Ubon này. Chúng có nhớ nhà ở quê khác không? Quý vị nghĩ sao?
Cũng vậy, khi hơi thở tắt và chúng ta chết, dù có trải qua bao nhiêu trăm ngàn
kiếp ở cõi sống nào, nhưng khi những nhân trở thành (nghiệp hữu, bhava) và sinh
thành (tái sinh, upatti) vẫn còn, thì thức sẽ cố tìm cách tái sinh về lại những nơi
thân thuộc ở trần gian này. Tôi nghĩ, chỉ là do tất cả chúng ta đều quá sợ hãi về
điều này. (Sợ hãi về sinh tử, sợ hãi về những chuyến đi mịt mù sau khi chết; sợ
hãi cho người thân yêu và sợ hãi cho chính mình sẽ đến lúc chết đi). Do vậy,
mong quý vị đừng khóc than quá nhiều về những sự chết chóc và biệt ly. Hãy
nghĩ kỹ về những điều tôi mới nói. Kammam satte vibhajati: nghiệp thúc đẩy
chúng sinh vào những sự tái sinh khác nhau. Họ sẽ không đi xa đâu, bởi họ vẫn
còn lẩn quẩn trong những vòng nghiệp hữu và tử sinh đó. Họ lăn lộn, chìm nổi,
vào ra trong vòng sinh tử: chỉ có vậy; chỉ thay đổi những sinh trạng, sinh dạng,
hình tướng, và xuất hiện bằng những hình tướng khác nhau sau khi chết, nhưng
chúng ta không thể biết được hay nhìn thấy những điều đó. Chỉ là sự đến và đi, đi
và đến, sinh diệt và diệt sinh lẩn quẩn trong vòng luân hồi (samsāra), không thực
sự đi đâu hết; (đâu có thoát ra được khỏi vòng luân hồi sinh tử mà đi đâu). Chỉ
lẩn quẩn ở đây. Giống như trái xoài mới rụng xuống từ cây xoài: nó chẳng biến đi