Còn về sự buồn ngủ (hôn trầm)? Khi ngồi thiền thầy có bị buồn ngủ hay tỉnh
thức?
(Người hỏi không trả lời)
Có lẽ khó mà nhớ lại nếu thầy bị buồn ngủ (hôn trầm) trong khi ngồi thiền!
Nếu thầy có bị hôn trầm, khi ngồi thiền hãy mở mắt ra. Đừng nhắm mắt. Thay vì
nhắm mắt, mở mắt ra và nhắm nhìn vào một tiêu điểm phía trước, ví dụ như ngọn
nến. Đừng nhắm mắt! Đây là một cách để loại bỏ chướng ngại buồn ngủ khi ngồi
thiền.
Khi ngồi thiền các thầy có thể nhiều lúc nhắm mắt lại, không sao. Nếu tâm
được sáng rõ, không bị buồn ngủ, thì các thầy có thể ngồi thiền với mắt nhắm lại.
Nếu tâm đờ đẫn và buồn ngủ (hôn trầm), thì các thầy nên mở mắt và nhìn vào
một tiêu điểm nào đó phía trước. Tiêu điểm đó giống như là một vật thể làm đối
tượng thiền, tức một kasina dùng làm đối tượng trong thiền định. Sau khi làm
như vậy, các thầy có thể làm cho tâm tỉnh thức và tĩnh lặng. Cái tâm buồn ngủ thì
không tĩnh lặng, nó đang bị cản trở bởi chướng ngại và do đó nó bị u tối.
Nhân tiện chúng ta cũng nên nói về sự ngủ. Các thầy không thể đi hay làm
gì được nếu không được ngủ. Đó là lẽ tự nhiên của thân. Nếu khi đang thiền tập
mà các thầy cảm thấy buồn ngủ một cách không thể nào chịu nổi, lúc đó hãy nên
đi ngủ. Đây là một cách giải tỏa chướng ngại buồn ngủ khi nó đang chế ngự
chúng ta. Còn nếu các thầy vẫn tiếp tục thiền, hãy mở hai mắt ngay khi thấy có
xu hướng buồn ngủ. Nhắm mắt lại một chốc và kiểm tra trạng thái tâm. Nếu tâm
sáng rõ thì các thầy có thể thiền với mắt nhắm lại. Rồi sau đó nên nghỉ giải lao.
Nhiều người phải luôn chiến đấu với sự buồn ngủ. Họ ép bản thân mình không
ngủ, kết quả là mỗi khi ngồi xuống thiền họ luôn luôn bị ngủ gà ngủ gật, và cứ
ngồi trong một trạng thái không tỉnh giác.
Câu Hỏi: Thưa thầy, liệu chúng ta có thể tập trung nơi chóp mũi hay không?
Ajahn Chah: Được đó. Bất cứ cách nào các thầy thấy tiện, cách nào các
thầy thấy thoải mái và nó giúp các thầy cố định cái tâm thì các thầy nên tập trung
vào cách đó.
Nó giống như vầy: khi thiền tập, chúng ta thường bị dính theo những ý
tưởng, ý nghĩ; tức chúng ta thường bị ‘nhớ bài’ theo những lý thuyết và hướng
dẫn mà chúng ta đã được học, trạng thái lúc đó có thể rất khó hiểu và khó chỉnh.