Khi chúng ta thực tập bài tập thiền tiêu chuẩn, ví dụ như chánh niệm về hơi-thở,
đầu tiên chúng ta phải hạ quyết tâm rằng bây giờ ta sẽ ngồi xuống thiền tập nó, và
chúng ta sẽ chọn việc chánh niệm vào hơi-thở làm nền tảng của chúng ta. Chúng
ta chỉ tập trung vào hơi thở ở ba điểm, đó là chỗ hơi thở đi qua lổ mũi, qua ngực,
và qua bụng. Khi thở vào, hơi thở đi qua mũi, rồi qua ngực, cuối cùng đến bụng.
Khi thở ra, hơi thở bắt đầu từ bụng, đi qua ngực và cuối cùng đi qua lổ mũi.
Chúng ta chỉ đơn thuần nhận biết nó như vậy. Đây là cách chúng ta bắt đầu kiểm
soát cái tâm, cột chặt sự tỉnh giác [sự biết] vào ba điểm: điểm bắt đầu, điểm giữa,
và điểm cuối của hơi thở vào và hơi thở ra.
Trước khi bắt đầu, trước tiên chúng ta nên ngồi xuống và thả lỏng cái tâm.
Chỗ này giống việc may áo trên máy may. Khi chúng ta mới bắt đầu học may,
chúng ta nên ngồi trước máy may để làm quen với nó và cảm thấy thoải mái. Lúc
này, chúng ta chỉ cần ngồi và thở. Chưa cần phải cố định sự chú tâm vào bất cứ
thứ gì, chỉ cần nhận biết mình đang thở. Lúc này chúng ta chỉ ghi nhận hơi thở
đang nhẹ hay nặng, dài hay ngắn mà thôi. Sau khi đã ghi nhận được nó, chúng ta
mới bắt đầu tập trung sự chú tâm vào hơi thở-vào và hơi thở-ra tại ba điểm tiếp
xúc đã nói trên.
Chúng ta tu tập như vậy cho đến khi trở nên thành thục về hơi thở, và hơi
thở sẽ vào ra êm nhẹ. Giai đoạn kế tiếp là chỉ tập trung sự chú tâm vào cảm nhận
về hơi thở ở nơi tiếp xúc nơi chóp mũi hoặc ở ngay giữa môi trên. Ngay lúc này,
chúng ta không cần quan tâm hơi thở dài hay ngắn nữa, chỉ tập trung duy nhất
vào nơi cảm nhận hơi thở đi vào và đi ra mà thôi.
Sau đó, những hiện tượng khác nhau có thể tiếp xúc với các giác quan, hoặc
có thể một số ý nghĩ sẽ khởi sinh. Đây được gọi là ý nghĩ ban đầu, đó là vitakka,
thường được dịch là (HV) tầm. Là vầy, tâm khởi lên ý nghĩ, ví dụ, về bản chất
của những thứ hữu vi (sankhārā), hoặc về thế giới, hoặc về bất cứ điều gì. Khi
tâm đã khởi ý nghĩ đó lên, tâm sẽ muốn dính chặt hoặc nhập luôn với ý tưởng đó.
Nếu ý tưởng đó là một đối tượng thiện lành, cứ để cho tâm nhận lấy nó. Nếu ý
tưởng đó là thứ gì bất thiện thì để tâm quán xét về nó, sau khi quán xét thì yếu tố
hoan hỷ, vui lòng và hạnh phúc sẽ có mặt. Tâm sẽ rõ sáng và sáng tỏ trong khi
hơi thở đi vào và đi ra và trong khi tâm nhận lấy những ý tưởng ban đầu đó. Rồi
ý tưởng ban đầu (tầm) sẽ trở thành ý tưởng suy lý, tức là vicāra, thường được gọi
(HV) là tứ. Là vầy, tâm bắt đầu phát triển sự quen thuộc với đối tượng, tự nó nỗ