chúng ta trải nghiệm sự gì chúng ta sẽ không rớt vào lãng tâm thất niệm bởi vì
tâm sẽ tự nhiên bám chặt vào sự tu tập, nó không hề buông lỏng giây phút tu tập
nào. Tâm sẽ tự nó sợ buông lỏng hay đánh mất sự tu tập. Khi chúng ta tiếp tục tu
tập và học hiểu thêm từ trải nghiệm thì chúng ta sẽ “uống” Giáo Pháp càng lúc
càng nhiều hơn, và lòng tin của chúng ta càng tăng cao hơn.
Đối với một người tu tập thực thụ thì nó sẽ xảy ra như vậy. Chúng ta không
nên làm loại người chỉ biết dựa theo người khác. Nếu các bạn tu của chúng ta
không chịu tu tập, ta cũng không chịu tu, bởi tu một mình ta thấy ngượng. Hoặc
nếu họ ngừng tu hay bỏ tu, ta cũng ngừng tu hay bỏ tu theo họ. Hoặc nếu họ tu thì
ta tu theo. Hoặc nếu sư phụ bảo ta làm gì ta mới làm theo. Nếu thầy bảo chúng ta
không tu, ta không tu. Tất cả những trường hợp đó đều không hay, những cách
dựa theo người khác thì khó mà nhanh đạt đến giác ngộ.
Chúng ta đang tu tập ở đây vì cái gì? Khi chúng ta có một mình, chúng ta
nên có thể tự tu tập liên tục được. Bây giờ, khi chúng ta đang sống tu chung với
nhau trong chùa ở đây, khi đến giờ tu chung (giờ tụng kinh, giờ thiền tập buổi
sáng và buổi tối theo chuẩn mực trong chùa), chúng ta nên đến chung và cùng tu
tập theo các chuẩn mực của chùa. Chúng ta xây dựng thói quen để cách tu tập của
chúng ta được nhập vào trong tim chúng ta, và sau đó nếu chúng ta có sống tu ở
đâu, chúng ta vẫn có thể duy trì những chuẩn mực và nhịp độ tu tập của mình
theo cùng cách đó.
Điều đó giống như có được tờ giấy bảo chứng vậy. Ví dụ như khi có đức
Vua Thái Lan có đến đây, chùa chúng ta có thể chuẩn bị mọi thứ một cách hoàn
hảo như có thể. Vua ở lại chùa trong chốc lát rồi lại đi, nhưng ngài sẽ đóng dấu
hoàng gia để chứng nhận mọi sự ở trong chùa đều ngăn nắp, tốt lành. Giờ chúng
ta đang sống tu cùng nhau, và giờ là lúc chúng ta phải học giỏi cách tu tập, học
hiểu về cách tu tập và đưa nó vào trong tâm chúng ta (nhập tâm) để mỗi chúng ta
có thể trở thành là người tự chứng cho chính mình. Giống như những đứa trẻ giờ
đến lúc phải trưởng thành vậy.