thấy đau lòng. Chúng ta không muốn nhìn thấy khổ, chúng ta không muốn nhìn
vào sự khổ. Khổ (dukkha) đích thực là sự thật, nó là thực tại, nhưng chúng ta
không muốn đến gần nó hay đối diện với nó. Theo một cách nào đó, chúng ta
không muốn nhìn thấy khổ, không muốn nhìn vào cái mặt khổ tất yếu của sự
sống. Điều này giống như cách chúng ta không thích nhìn người già, chúng ta chỉ
thích nhìn người trẻ đẹp.
Nhưng, về lý khoa học mà nói, nếu chúng ta không chịu nhìn vào sự khổ thì
chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được sự khổ, cho dù chúng ta có sống và chịu khổ
qua bao trăm ngàn kiếp. Khổ là một lẽ thực, đó là sự thật tất yếu, là chân lý, đó là
thánh đế. Nếu chúng ta cho phép bản thân mình đối diện với sự khổ, nhìn vào sự
khổ, thì chúng ta đã bắt đầu có thể tìm ra con đường thoát khỏi sự khổ đó. Lý tu
mở đầu của Đức Phật là vậy. Nếu chúng ta chịu đi và chịu gặp chỗ bí đường thì ở
đó chúng ta mới nghĩ ra cách để thoát ra khỏi thế bí đó, mới có thể tìm ra lối để
vượt qua nó. Tương tự, khi chúng ta gặp phải những sự khó khổ, chúng ta phát
triển sự hiểu biết và trí tuệ như vậy. Nếu không đối diện và tìm hiểu những sự
khó khổ là gì, làm sao chúng ta có được sự hiểu biết và trí tuệ về chúng. Nếu
không chịu nhìn vào sự khổ, thì coi như chúng ta không thực sự nhìn vào những
vấn đề khó khổ và giải quyết chúng; chúng ta cứ để mặc cho chúng đến đi một
cách thản nhiên, chúng ta cứ để cho chúng liên tục bao quanh sự sống và cuộc
đời của chúng ta.
Cách huấn luyện của tôi là để mọi người dính vào khổ, bởi vì khổ chính là
con đường của Đức Phật đi đến sự giác ngộ. Phật muốn chúng ta nhìn sự khổ và
nhìn thấy nguyên nhân của khổ, nhìn thấy sự thật của trạng thái chấm dứt khổ, và
nhìn thấy con đường dẫn đến trạng thái sự chấm dứt khổ đó. Đó là cách thoát khổ
của những bậc thánh nhân (ariya), những bậc giác ngộ đã làm. Nếu quý vị không
chịu đi theo cách đó thì không có lối thoát. Cách duy nhất là hiểu biết về khổ,
hiểu biết nguyên nhân của khổ, hiểu biết sự thật của trạng thái diệt khổ, và hiểu
biết cái con đường dẫn ta đến trạng thái diệt khổ thoát khổ đó. Đây chính là cách
những bậc thánh nhân (ariya), bắt đầu là những người Nhập Lưu (Tu-đà-hoàn) đã
có thể thoát khổ. Cần phải hiểu biết về khổ. Hiểu biết về sự khổ là điều cần thiết.
Nếu chúng ta hiểu biết rõ về sự khổ, chúng sẽ nhìn thấy nó trong tất cả mọi
sự chúng ta trải nghiệm. Nhiều người cảm giác rằng họ đâu có bị khổ đau gì
nhiều. Đi tu theo đạo Phật là nhằm mục đích giải thoát bản thân khỏi khổ đau.