nghiêm trọng đó, chứ không phải chỉ đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn ngắn
hạn. Có nhiều thứ chúng ta cần phải trừ bỏ. Theo cách và đạo lý của đạo Phật, để
tu tập tu dưỡng tâm linh, chúng ta cần nên từ bỏ thân này của chúng ta, từ bỏ cái
bản thân của chúng ta. (Từ bỏ không có nghĩa là đi giết chết thân này, từ bỏ là từ
bỏ sự chấp thân này là ‘ta’, là ‘của ta’). Chúng ta phải chọn cách giải quyết để
mang lại sự sống thực sự cho chúng ta. Từ bỏ, chúng ta có thể nhìn tấm gương
của những người từ bỏ, chẳng hạn như Đức Phật lịch sử. Phật trước khi đi tu là
thuộc tầng lớp chiến sĩ cao quý trong hệ cấp phong kiến trong xã hội thời đó,
Phật là thái tử của một đất nước giàu đẹp thời đó, nhưng Phật đã có thể bỏ hết tất
cả mọi thứ sau lưng và không thối chuyển. Là một người thừa kế quyền lực và sự
giàu có bậc nhất thời đó, nhưng Phật đã từ bỏ tất cả.
Khi chúng ta nói về Giáo Pháp vi tế vi diệu, hầu hết mọi người đều thấy sợ.
Họ không dám bước vào Giáo Pháp, không dám thử bước vào đạo. Ngay cả khi
nói ''Đừng làm điều xấu ác'' thì hầu như chẳng mấy ai làm được. Tình cảnh chung
là như vậy đó. Do vậy tôi đã cố tìm mọi cách để chỉ dạy, để mọi người có thể
vượt qua tình trạng này. Tôi hay nói với họ như vầy: dù chúng ta đang vui hay
buồn, sướng hay khổ, đang khóc hay đang ca hát thì cũng vậy thôi—sống trong
thế gian này chúng ta chẳng khác gì đang sống trong cái lồng. Chúng ta đâu có
vượt ra khỏi tình trạng giới hạn của cái lồng. Dù có giàu đến đâu cũng đang sống
trong cái lồng đó. Dù có nghèo đến đâu cũng đang sống chung trong cái lồng đó.
Nếu có đang vui mừng ca hát thì cũng đang ăn mừng ca hát ở trong cái lồng. Nếu
đang được vinh danh vinh phận thì cũng là sự vinh danh trong cái lồng đó.
Cái lồng đó là cái gì? Đó là cái lồng của sự sinh, cái lồng của sự già, cái
lồng của sự đau bệnh, cái lồng của sự chết. Sinh, già, bệnh, chết. Chúng ta đâu
chạy thoát khỏi cái lồng đó. Theo một cách nhìn, chúng ta đang bị giam cầm
trong cái ‘lồng’ thế gian này. Cứ suốt ngày suốt đời nghĩ ''đây là của ta'', ''đó là
của ta''. Chúng ta ngu mờ, chẳng biết chúng ta đích thực là gì và đích thực đang
làm gì. Đích thực, tất cả việc chúng ta đang làm chỉ là tích tạo thêm những khổ
đau cho mình. Đâu phải thứ gì xa xôi gây ra khổ đau cho chúng ta đâu, chính
chúng ta tạo ra khổ đau cho mình: chính là chúng ta không chịu nhìn vào chính
mình. Dù có được sung sướng và hạnh phúc bao nhiêu, nhưng sau khi được sinh
ra trên đời này chúng ta không thể tránh khỏi sự già, bệnh, chết. Đó chính là sự
khổ đau, đó chính là nghĩa của chữ dukkha, ngay bây giờ và tại đây.