Rồi đến phần Giáo Pháp cao sâu hơn. Có thể một số người không hiểu nó.
Ví dụ, nhiều người nghe Phật nói rằng đối với Phật, Phật không còn sinh nữa
(sinh đã tận) thì họ thấy khó chịu. Nói thẳng ra, Phật nói chúng ta không nên
được sinh ra nữa, vì sinh là nguyên nhân khổ. Chỉ là từ cái sinh mà khổ, hãy suy
xét kỹ về điều này. Sau khi sinh là có khổ đi theo. Khổ có mặt ngay lúc sinh.
Chúng ta cứ nghĩ nhờ có sinh nên chúng ta có có mắt, có mũi, miệng, đủ thứ. Giờ
lại nghe người ta tu hành để...không còn được sinh ra nữa, nghe vậy chúng ta thất
vọng và sợ hãi, chẳng ai muốn tu hành để đi đến đó. Nhưng giáo lý sâu sắc nhất
của Phật là ở chỗ đó.
Tại sao chúng ta đang có khổ? Bởi vì chúng ta đã được sinh ra. Do vậy,
chúng ta được dạy để chấm dứt sinh. Chỗ này không phải chỉ nói về sự sinh tử
của thân này. Thân này sinh ra rồi chết đi, chuyện đó một đứa trẻ con cũng biết.
Khi hơi thở chấm dứt, thân chết, nằm thành xác chết. Đây là cách chúng ta hay tả
về cái chết. Người chết tắt thở. Nhưng còn cái người chết đang thở—chính là ta
đang sống mà chết đi trong từng giây từng phút—thì chẳng ai để ý đến. Chúng ta
chỉ người chết là chỉ cái xác chết thôi. Đó là chết.
Sinh cũng vậy, khi nói sinh là ta nghĩ đến việc một người mẹ đến nhà
thương sinh ra đứa con. Chúng ta chỉ biết về một cái thân được sinh ra, nhưng lúc
nào cái tâm được sinh ra thì ta không biết được. Những trạng thái tâm thì có mặt
lúc nào? Khi ta bực mình chuyện nhà cửa, ta có để ý tâm đó từ đâu sinh ra? Lúc
có tâm trạng thương mến. Lúc có tâm trạng bực bội. Lúc dễ chịu, lúc khó chịu—
đủ thứ loại trạng thái của tâm. Đó là sinh.
Khi mắt nhìn thấy thứ gì gây khó chịu, khổ sinh ra. Ta nghe điều gì dễ chịu,
khổ cũng sinh ra. Cuối cùng cũng chỉ là khổ. (Sướng, dễ chịu, hạnh phúc...chỉ là
mặt khác của khổ mà thôi).
Phật tóm lại rằng: chỉ có một đống khổ. Khổ sinh và khổ diệt. Tất cả chỉ có
vậy. Chúng ta cứ chụp lấy và dính vào khổ, dính vào khổ sinh, dính vào khổ diệt,
nhưng chưa bao giờ hiểu về nó.
Khi khổ khởi sinh, ta nói mình có khổ. Khi khổ chấm dứt, ta gọi đó là sướng
(lạc). Khổ và sướng chỉ là hai mặt của một nguyên nhân. Chỉ là do khổ. Lúc nó
sinh thì gọi là khổ, lúc nó hết thì gọi là sướng. Chúng ta được dạy để quan sát
thân và tâm đang sinh và đang diệt. Chẳng có gì khác ngoài tấn tuồng này của
khổ.