bới họ, họ sẽ lập tức hết vui ngay, họ sân si lên ngay. Đó là vấn đề của những âm
thanh nhân tạo, nó chẳng bao giờ thực sự giải tỏa tâm trí và đi đến sự tĩnh lặng.
Những âm thanh tự nhiên của Giáo Pháp thì khác, nó mang lại sự tĩnh lặng và
bình an thực sự trong tâm. Nó mang lại niềm vui và hạnh phúc thực sự trong tâm.
Nếu tâm biết Giáo Pháp, nó sẽ nói tiếng của Giáo Pháp; đó là thứ âm thanh đáng
để lắng nghe, đáng để suy nghĩ, đáng để học hiểu và quán chiếu.
Loại âm thanh nào là tốt ở trên đời, đó là những âm thanh không quá khích,
không làm mất cân bằng. Đó là những âm thanh mang lại sự cân bằng, niềm vui
và sự tĩnh lặng của tâm. Những âm thanh tiếng ồn ngoài phố thị thường chỉ mang
lại sự rối trí, sự hỗn độn, sự bực dọc và như sự tra tấn. Chúng dẫn đến khởi sinh
tham, sân, si. Chúng khiến mọi người tham lam hơn, khiến mọi người muốn tranh
đấu hơn và thậm chí hãm hại nhau để đứng cao hơn trong cái dòng chảy bất tận
của xã hội hiện đại. Nhưng những âm thanh tự nhiên của núi rừng thì không
giống vậy. Dù tiếng mưa rào, dù tiếng thác đổ có lớn cỡ nào, dù tiếng chim hót ca
liên tục suốt ngày, những âm thanh đó không làm chúng ta tham sân gì hết.
Chúng ta nên dùng thời gian còn sống để tạo ra sự an lạc ngay bây giờ, ngay
trong hiện tại. Đó là ý chỉ của Đức Phật: lợi lạc trong cuộc sống này, lợi lạc cho
cuộc sống tương lai. Trong cuộc sống này, ngay từ nhỏ chúng ta đã cần phải ứng
dụng bản thân vào việc học hành, ít nhất cũng học đủ có thể mưu sinh kiếm sống
để nuôi nấng bản thân và gia đình, để sau đó có thể lập gia đình nhỏ và sống
không nghèo khó. Dù để làm nông dân, thợ nề, thợ mộc hay thầy giáo, bác sĩ... tất
cả đều phải nên học thì mới làm được ít nhiều. Nhưng thường thì người ta cũng
không học hành nghiêm túc để có chút kỹ năng nghề nghiệp như vậy. Từ nhỏ
chúng ta cũng chỉ lo chơi bời, lo tìm vui thú đủ kiểu. Mỗi khi trong làng hay trên
chợ có lễ hội đông vui chúng ta liền bỏ việc lao tới đó, cho dù đã gần đến ngày
gặt lúa. Chúng ta chỉ thích tìm chỗ vui thú. Những ông già trong làng thậm chí
còn lôi xấp nhỏ đi qua làng khác để coi hát hoặc chơi lễ hội suốt ngày suốt đêm.
''Ụa bà bỏ việc đi đâu vậy nội?''
''Tao đang dắt xấp nhỏ lên chợ huyện coi hát!''
Tôi không biết bà nội đang dắt xấp nhỏ hay lũ nhỏ đang phải dìu dắt bà nội
bước đi. Đường lên chợ huyện cũng xa xôi khó đi. Nhưng họ cứ đi, mỗi khi khai
hội khai tuồng là họ đi ngay. Mấy ông bà già cứ đỗ thừa mình dắt mấy đứa nhỏ đi
coi, nhưng thực ra là chính ổng bả muốn đi coi hát, muốn đến nơi đông vui ở chợ.