nản lòng. Năm đó ông ấy cũng bỏ y và hoàn tục, vì khổ quá ổng chịu không nỗi.
Nhưng hoàn tục là điều đúng với ông ấy, bởi ông ấy còn nhiều chuyện trần đời
chưa bỏ hết được.
Sau này chúng tôi mới có nước đá ở đây. Chúng tôi cũng bắt đầu thấy có ít
đường ăn. Một người đến tu ở đây tên cô Daeng. Cô ấy xuống Bangkok và kể về
đời sống của chúng tôi ở đây mà như muốn khóc. Nhiều người chưa hề biết cuộc
sống của những người tu thiền là ra sao. Ăn một bữa một ngày, không biết chế độ
ăn uống như vậy là tiến bộ hay đi lùi? Tôi không biết gọi là gì.
Khi đi khất thực, dân làng thường gói thêm một gói muối ớt nhét vô trong
chỗ cơm họ cho. Chúng tôi nhận được gì thì đem về cùng chia nhau ăn. Dù đồ ăn
có ngon hay dở, hợp hay không hợp, dễ nhìn hay khó nhìn, chúng tôi không nghĩ
bàn gì về nó; chúng tôi chỉ biết ăn cho no. Ăn uống thì giản đơn như vậy. Cũng
không có dĩa hay chén—mọi thứ đều nhận vào bình bát khất thực và ăn từ bình
bát.
Lúc đó chẳng ai đến thăm nơi này. Đến tối mọi người tự đi về chòi của mình
để tu tập. Ngay cả chó sống ở đây cũng không nỗi. Những cái chòi (cốc, kuti) thì
ở cách xa nhau trong rừng, cách xa chỗ chúng tôi ngồi họp mặt hàng ngày. Cuối
ngày, khi một ngày đã xong, mỗi người tự đi về chòi của mình trong rừng. Mấy
con chó cũng không dám ở đây, vì chúng sẽ thấy quá hẻo lánh và không an toàn,
cho nên chúng lẻo đẻo đi theo mấy vị Tỳ kheo đi vào trong rừng. Nhưng vào
trong rừng mấy vị Tỳ kheo lại biến mất vào trong chòi, nên mấy con chó cũng bị
bỏ rơi; chúng lại chạy theo vị Tỳ kheo khác, nhưng cũng lại bị bỏ rơi sau khi vị
ấy biến mất vào trong cái chòi nhỏ bé của mình trong rừng tối.
Vậy đó, ngay cả chó cũng không sống nỗi ở đây—đó là cảnh sống tu thiền
của chúng tôi thời đó. Nhiều lúc tôi nghĩ: chó còn sống không nỗi, nhưng chúng
tôi phải sống được! Quá xá cực. Nhiều lúc nghĩ vậy tôi cũng thấy hơi buồn tủi.
Chúng tôi sống chung với bệnh sốt rét nguy hiểm, chúng tôi đối mặt với cái
chết, nhưng tất cả chúng tôi đều sống sót. Bên cạnh việc đối diện với cái chết,
chúng tôi sống với đủ thứ điều kiện khắc nghiệt, khó khăn, ví dụ như thức ăn
nghèo nàn, dường như chẳng có gì. Nhưng nghèo khó không phải là mối lo âu
của chúng tôi. Khi nghĩ lại thời đó và nhìn những điều kiện sống trong chùa bây
giờ, mọi thứ khác quá xa.