Sự tìm hiểu thực sự, tức sự điều tra một cách đúng đắn (chánh trạch pháp)
thì không liên quan đến sự nghĩ suy. Ngay khi có đối tượng tiếp xúc với mắt tai,
mũi, lưỡi, hay thân thì nó lập tức xảy ra theo đường lối của nó. Ta không cần phải
lấy công cụ gì để nhìn vào nó. (Ta đâu kịp làm vậy). Mọi sự chỉ tự nó hiện ra và
sự điều tra cũng tự nó xảy ra. (Chúng ta đang nói về loại ý tưởng xảy ra trong tâm
khi ngồi thiền ở giai đoạn đầu sau khi tâm đã được tĩnh lặng ít nhiều). Đó là ''ý
tưởng ban đầu'', được gọi là vitakka, HV dịch là tầm. Tầm có nghĩa là tìm ra một
ý tưởng, đặt ra và chọn ra một ý tưởng, nhắm vào một ý tưởng. Sau khi đã “tầm”
ra một ý tưởng và nhắm vào nó thì tiếp theo là loại ''ý tưởng suy lý'', được gọi là
vicāra, HV dịch là tứ. Tứ là bám quanh, là quán xét quanh đối tượng đó để điều
tra. Đó là sự điều tra (trạch pháp), đó là sự nhìn thấy những cảnh giới hiện hữu
(bhūmi) đang hiện tiền.
Phân tích đến cùng, con đường đạo của Phật nở hoa nhờ vào lẽ vô-thường.
Dù Phật còn hay mất, lẽ thực vô thường vẫn có mặt. Dù là thời Phật hay thời sau
hay bây giờ, hay mai sau, lẽ vô thường luôn luôn có mặt. Mọi thời tự cổ chí kim,
lẽ vô thường chi phối tất cả mọi thứ. Đây là đề tài các thầy nên chọn để thiền
quán về nó.
Những lời nói sự thật và chân chánh của các vị sa-môn không thể thiếu lẽ vô
thường. Vô thường là sự thật, đó là lẽ thực. Nếu không nói đến vô thường thì đó
không phải là lời nói của bậc hiền trí chân tu. Đó không phải là lời của Phật hay
của bậc thánh nhân; đó chỉ là những lời nói không biết chấp nhận lẽ thật của sự
sống. Sự thật của sự sống là vô thường.
Mọi thứ cần có một cách giải thoát. Sự quán xét không phải là việc nắm giữ
và dính chặt vào đối tượng. Nó là việc giải tỏa. Một cái tâm không thể giải tỏa
các hiện tượng là cái tâm trong tình trạng bị nhiễm độc. Về mặt thực hành, điều
quan trọng là không để bị nhiễm độc. Khi sự tu tập dường như đã được tốt, đừng
bị nhiễm độc bởi sự tốt đó. Nếu ta bị nhiễm độc bởi thành tựu tốt, điều đó sẽ trở
nên nguy hại, và lúc đó sự tu tập không còn đi đúng hướng nữa. Chúng ta tu hết
mình, nhưng điều quan trọng đừng quá say sưa với những công sức nỗ lực của
chúng ta, nếu say sưa với nỗ lực hay thành tích tốt của mình thì ta đã đi lệch khỏi
Giáo Pháp. Đó là lời Phật đã khuyên. Dù điều gì đó là tốt lành, đừng dính danh
theo nó, đừng bị nhiễm độc bởi nó. Nhớ tỉnh giác về điều này khi nó xảy đến với
ta.