(Ở đây thiền sư nói về nghĩa thiện của người giàu làm việc, chứ không phải
nói về những người tham lam cố làm đến chết vì sự tham lam ích kỷ. Nhiều
người đã giàu và già những vẫn tiếp tục làm, bởi họ không muốn số đông nhiều
người phụ thuộc bị mất việc hoặc không muốn sự nghiệp làm ăn có ích lợi cho
cộng đồng và xã hội sẽ bị phá hủy. Họ vừa duy trì công việc cho số đông, vừa
đóng góp cho xã hội ở địa phương vì nhiều lợi ích khác nhau).
Nếu nói về sự ngơi nghỉ hay ngừng nghỉ, chúng ta có thể tìm thấy sự nghỉ
ngơi ngay trong việc tu tập. Một khi chúng ta đã tu tập để đạt đến mục tiêu, để
thấy biết mục tiêu và thành một với mục tiêu, thì sự năng động siêng năng của
chúng ta không cách nào làm thiệt hay hại gì cho ta cả. Khi chúng ta ngồi tu tập
trong sự tĩnh tại thì đâu có gì là nguy hại. Trong mọi tình huống, chẳng có gì làm
nguy hại chúng ta. Sự tu tập đã chín muồi đến hoàn thành và người tu đã đến
được đích. Có thể bữa nay người tu đó không ngồi thiền nhập định, nhưng đâu có
sao. Định (samādhi) đâu có nghĩa là chỉ là ngồi thiền. Định có thể có trong tất cả
mọi tư thế. Nếu chúng ta thực sự tu tập trong mọi tư thế, chúng ta sẽ có định như
vậy. Chẳng có gì có thể can thiệp. Nhiều người cứ nói kiểu ''Bữa nay tâm tôi
không được thông tỏ nên tôi không thể thiền'', kiểu nói như vậy không nên nghe.
Chúng ta không nên có những ý nghĩ kiểu đó; chúng ta không nên cảm giác theo
kiểu đó. Sự tu tập của chúng ta cần được tiến triển và cần được hoàn thành—đây
mới là cách nghĩ đúng đắn và tích cực.
Không được nghi ngờ và rối trí, chúng ta dừng lại ngay điểm này và quán
xét. Các thầy có thể nhìn vào chỗ này: quan điểm về cái ‘ta’ (ngã chấp), sự nghi
ngờ, sự dính chấp vào các lễ nghi tập tục mê tín. [Ba gông cùm đầu tiên]. Giai
đoạn đầu tu tập là phải cố thoát ra khỏi ba gông cùm này. Loại hiểu biết nào
người tu cần đạt tới? Đó là loại tâm cần có để giải thoát. Hiện giờ loại hiểu biết
đó của chúng ta ra sao? Chúng ta có đạt được loại hiểu biết đó chưa? Và nếu có
thì có đến mức nào? Mỗi chúng ta là người duy nhất tự biết rõ về điều này; chúng
ta phải tự mình hiểu biết cho mình. Ta là người tu cái tâm của ta, vậy còn ai biết
rõ hơn chính ta? Ngã chấp, mê tín và nghi ngờ: nếu chúng ta còn dính vào mấy
thứ này, còn nghi ngờ ở đây, còn dò dẫm ở đây, thì cái "ý niệm về cái ta" vẫn còn
ở đây. Nhưng chúng ta thường nghĩ, nếu không có cái ‘ta’, ai là ‘người’ ý thức
mọi thứ và ai là ‘người’ tu?