Chúng ta không nắm giữ chúng vì sự ngu dốt, vô minh. Chúng ta chỉ nắm bắt
chúng bằng trí tuệ và đặt chúng xuống.
Đó là cách tu. Cứ nắm bắt mọi thứ khi chúng đang xảy ra, biết về chúng và
buông bỏ chúng. Làm cách như vậy thì bốn tư thế có thể được đồng đều và ổn
định. Điều đó có nghĩa là tâm có năng lực. Tâm có sự tỉnh giác, và trí tuệ được
sinh ra. Khi tâm có trí tuệ thì ở đó đâu còn gì tuyệt hơn nữa? Nó nắm bắt mọi thứ
xảy đến, nhưng không bị sự nguy hại. Bởi nó không dính chấp, không nắm giữ
hay nắm chặt thứ gì. Nó không nắm chặt thứ gì, nó chỉ thấy biết mọi thứ và
buông bỏ chúng. Ví dụ, khi nghe âm thanh hay tiếng nhạc, ta biết ‘thế gian gọi
tiếng nhạc đó là hay’ và ta buông bỏ nó. Hoặc khi nghe thứ tiếng ‘thế gian gọi là
dở’, ta biết vậy và buông bỏ. Chúng ta biết rõ mọi sự tốt và xấu, biết rõ thiện và
ác. Nhiều người không biết rõ bản chất [mối nguy hại] của sự tốt, sự xấu, sự
thiện, sự ác, nên họ dính theo mọi thứ và kết quả là bị khổ. Người có hiểu biết [về
mối nghi hại của sự tốt, sự xấu...] thì không bị dính theo chúng, và không bị khổ.
Hãy xem xét: Mục đích chúng ta sống là gì? Chúng ta làm việc để làm gì?
Sống trong đời này mục đích sống của chúng ta là gì? Để làm việc; chúng ta
muốn được gì từ công việc? Theo cách thế gian, mọi người làm việc vì họ muốn
được thứ này thứ nọ, và họ coi điều đó là hợp lý, là lẽ sống. Nhưng giáo lý của
Phật thì đi xa hơn một bước. Giáo lý Phật nói chúng ta làm việc mà không có
tham cầu được gì, làm việc không vì dục vọng. Nhưng ở thế gian quý vị làm cái
này để được cái kia, làm để có được thứ này thứ nọ; quý vị luôn luôn làm việc để
có kết quả là được thứ gì đó. Đó là cách của người đời. Phật thì nói làm việc thì
làm vì công việc mà không tham cầu để được gì.
Khi nào chúng ta còn làm với tham cầu được này được nọ, thì chúng ta khổ.
Nếu chúng ta tu với tham muốn đạt này đắc nọ, thì chúng ta khổ và không thành
gì cả, vì cách đó sai ngược với cái lý tu hành. Hãy suy xét về điều này.