Lời cuối sách
Ngày 10 tháng 7 năm 2012, khi cuốn tiểu thuyết này hoàn thành bản
thảo, tôi liền noi theo lệ cũ trong Cảo Cánh Thuyết Kệ thuộc Biệt truyện
Liễu Như Thị mà làm ba bài tuyệt cú. Khi ấy tôi cứ sợ rằng tám mươi bốn
chữ này sẽ hóa thành lời tiên tri vào một ngày nào đó, nên không dám mạnh
miệng mà cũng chẳng dám nói gở. Thực ra từ khi bắt đầu lên ý tưởng cho
cuốn tiểu thuyết này vào năm 2010, tôi đã biết rõ rằng nó nhất định sẽ khó
chào đời hơn các cuốn tiểu thuyết khác rất nhiều - cụm từ “chào đời” ở đây
vừa chỉ chuyện sáng tác, vừa mang hàm ý về việc xuất bản - Dù sao đây
cũng là tác phẩm chỉ tôi mới có thể hoàn thành, mà tôi lại là một người lười
biếng, hay mất tập trung lại còn khá kỳ quặc.
Chỉ tôi mới có thể viết ra một cuốn tiểu thuyết như vậy - thoạt nghe thì
như một lời tự thuật cực kỳ kiêu ngạo. Nhưng may mà khi đọc được câu
này, chắc là độc giả đã đọc hơn một trăm nghìn chữ trước đó rồi, nên hẳn là
sẽ không hiểu lầm ý tôi. Tôi không tin trên đời này còn người thứ hai có
hứng thú kỳ quặc và kết cấu tri thức tương đồng với mình, vậy nên tôi mới
tự phụ tuyên bố rằng trên đời này sẽ không còn cuốn tiểu thuyết nào giống
như Lễ tế mùa xuân nữa. Bỏ chút công sức tìm hiểu Hán Thư
*
và các loại
Kinh, lại có chút hứng thú với triết học phương Tây, bên cạnh đó còn tôn
thờ tác phẩm của Shinzo Mitsuda và Yutaka Maya như những nguyên tắc
tối cao của tiểu thuyết trinh thám, và điểm cuối cùng – cũng là điểm mang
tính quyết định và tính hủy diệt – một kẻ cuồng tín với Cổ điển học và Bản
cách
**
cổ điển lại trót bán linh hồn mình cho văn hóa A.C.G
***
Nhật Bản.
Nếu cõi đời này còn có người thứ hai vô dụng như tôi, vậy người đó chính
là phân thân (Doppelganger) của tôi, chắc chắn sẽ trở thành tri kỷ hoặc kẻ
thù không đội trời chung suốt đời với tôi.
* Một tài liệu lịch sử Trung Quốc cổ đại viết về giai đoạn lịch sử thời Tây Hán từ năm 206 TCN
đến năm 25.