Để tiếp tục thúc đẩy nhu cầu, Kawakami đã thành lập Hiệp hội Âm
nhạc Yamaha vào năm 1966 với tư cách một tổ chức phi lợi nhuận
độc lập. Hiệp hội cung cấp các khóa học piano với mức học phí thấp
và nhượng quyền thương mại lan rộng ra nhiều quốc gia khác. Đến
những năm 1980, hiệp hội đã điều hành 9.000 trường âm nhạc ở
Nhật với 680.000 học viên và chạm mốc gần 1.000.000 học viên
trên thế giới.
Trong khi đó, bên trong nhà máy của Yamaha, nhiều quy trình sản
xuất đã được tự động hóa, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của con
người. Hệ thống máy tính sẽ xác định các tấm gỗ và chuyển chúng
qua các vật chứa hình chữ Y trên không đến bảy bước ép vành
khác nhau, tương ứng với các kích cỡ khác nhau của đại dương
cầm do Yamaha sản xuất. Chỉ cần hai công nhân làm việc để điều
khiển các tấm gỗ đến đúng vị trí trước khi một xi lanh thủy lực lao
xuống kèm theo tiếng rít khí nén và định hình chúng vào máy ép.
Các vành đã dính lại với nhau sau đó được làm khô trong vòng 15
phút nhờ vào phương pháp pháp làm khô tần số cao. Toàn bộ quá
trình được thiết kế nhằm giảm thiểu các biến thể trong sản xuất, một
hệ thống khác xa so với hệ thống thủ công nặng về sức lực tại
Steinway.
Mặc dù vậy, hầu hết các công ty sản xuất nhạc cụ tại Mỹ đều không
xem Yamaha là đối thủ cạnh tranh cho đến cuối những năm 1960.
Khi phó chủ tịch của Story & Clark, Robert P. Bull, đến thăm
Yamaha vào năm 1964, ông đã kể lại rằng thật đáng kinh ngạc rằng
không ai ở Mỹ có đủ nhận thức về quy mô và phạm vi của Yamaha.
“Tôi vô cùng ngạc nhiên,” ông bày tỏ khi nhìn thấy sức mạnh sản
xuất của Yamaha.
Vào năm 1966, Yamaha đưa ra tuyên bố, “Chúng tôi đã sản xuất
thành công một mô hình thử nghiệm của thứ mà chúng tôi tin rằng
sẽ là chiếc đại dương cầm tinh xảo nhất thế giới.” Đó là nguyên mẫu
của chiếc Yamaha Conservatory CF, được sản xuất bằng các quy
trình thủ công truyền thống và được ra mắt vào năm 1967 tại Hội
chợ Thương mại Chicago.