Phần đáng chú ý nhất trong thành công này có lẽ nằm ở chỗ, khi tất
cả các thay đổi diễn ra thì chất lượng sản phẩm cơ bản vẫn không
đổi và điều này càng khiến cho tình hình của Steinway càng thêm
đau đớn. Nói một cách đơn giản, một cây đàn piano vẫn giống như
thường lệ với các búa gõ vào dây đàn để tạo ra âm thanh. Chức
năng và hình thức của sản phẩm cuối cùng, cùng những tiêu chí
phù hợp với nhu cầu của các nghệ sĩ hàng đầu, không hề thay đổi.
Không giống như Kodak và Polaroid bị các máy ảnh kỹ thuật số loại
bỏ, Steinway & Sons tự hủy hoại bản thân khi mãi kiên trì làm đàn
một cách thủ công. Tuy nhiên, khi kiến thức chuyên môn trở nên
hoàn thiện – từ cách làm thủ công ban đầu đến máy móc tự động
hóa sau này – thì vận may đã không mỉm cười với những người tiên
phong mà là với những kẻ sinh sau đẻ muộn. Muốn cạnh tranh
thành công ở những giai đoạn kiến thức khác nhau đòi hỏi khả năng
tổ chức hoàn toàn khác. Và kiến thức vẫn thường hay thay đổi,
không phải ở mức độ cao thấp mà là ở bản chất. Khi không ai thèm
ngó đến, những kẻ đến sau thường dễ dàng loại bỏ những người
mở đường đi trước. Vậy nên, làm kẻ sinh sau đẻ muộn cũng là một
lợi thế.
Điều này không phải nhằm nói rằng Yamaha không bao giờ sáng
tạo. Hoàn toàn ngược lại mới đúng, chính Yamaha đã nỗ lực khai
thác hết tiềm năng của công nghệ sản xuất tiên tiến để có thể cho ra
đời các quy trình và hệ thống mới. Mỗi lần công ty tiến xa hơn với
quá trình sản xuất tự động hóa thì họ phải sáng tạo mới thành công
được như vậy. Nhưng tài năng sáng tạo của họ lại chuyển từ sản
xuất sản phẩm chất lượng cao bằng tay nghề khéo léo sang chế tạo
một quy trình sản xuất tốt hơn, dựa theo máy móc tự động hóa để
giảm chi phí và cải thiện năng suất sản xuất. Nhờ đó, Yamaha mới
đúc kết được một phương pháp sản xuất đàn rẻ hơn, hiệu quả hơn
và đáp ứng được nhu cầu không ngừng tăng lên của khách hàng.
Nhưng chẳng phải các công ty tiên phong cũng có thể bảo vệ bí
quyết của mình bằng cách nộp bằng sáng chế và đăng ký thương
hiệu, và từ đó dập tắt nỗ lực của những kẻ đến sau từ trong trứng
nước hay sao? Chẳng phải Steinway & Sons cũng có thể loại bỏ
Yamaha bằng cách bảo vệ bí mật thương hiệu của họ tốt hơn sao?