Có thể coi Lee Kun Hee là một nhà quản lý xuất chúng khi ông có thể
truyền tải trọn vẹn mục tiêu cao cả và niềm tin kiên định về khả năng vươn
lên đứng đầu - “chúng ta cũng có thể giành vị trí số 1” tới toàn thể nhân
viên Samsung.
Trong cuốn Tương lai của quản trị (Future of Management), tác giả Gary
Hamel đã đưa ra định nghĩa về đổi mới kinh doanh như sau:
“Đổi mới quản trị có nghĩa là làm thay đổi một cách rộng rãi phương pháp
thực hiện nghiệp vụ quản lý, hay là sửa đổi hình thái tổ chức vốn có và
hướng tổ chức theo một mục đích đã định sẵn. Nói một cách đơn giản hơn,
đổi mới quản trị là một trong những biện pháp được người quản lý sử dụng
để thay đổi phương pháp làm việc nhằm cải thiện thành quả của tổ chức.”
Về phương diện này, Lee Kun Hee được đánh giá là đã theo đuổi một
đường lối đổi mới quản trị đúng đắn và tạo nên những thành công vang dội.
“Trong đổi mới có đổi mới phương pháp điều hành, đổi mới sản phẩm, đổi
mới chiến lược và đổi mới quản trị. Mỗi hình thức đổi mới lại cống hiến
một phần nhất định vào thành công của công ty. Tuy nhiên, nếu chúng ta
biểu thị những hình thức đổi mới đa dạng này theo lối phân tầng thì đổi
mới ở tầm cao sẽ sản sinh ra những giá trị cao hơn một chút và thể hiện
được khả năng phòng ngự trong cạnh tranh. Theo đó, đổi mới quản trị sẽ
nằm ở vị trí tối cao trong các bước đổi mới. Lý do yêu cầu phải hiểu được
cấu trúc này là bởi đây là một khâu rất quan trọng trong những nỗ lực
nhằm đổi mới cách quản trị doanh nghiệp của bạn.”
Theo chủ trương của Gary Hamel, có thể nói rằng sự đổi mới nằm ở vị trí
tối cao trong sơ đồ phân tầng đổi mới, quan trọng hơn cả sản phẩm, chiến
lược hay đổi mới phương thức vận hành chính là đổi mới quản trị. Lee Kun
Hee đã thay đổi tổ chức cũ và kiến tạo nên một tổ chức mới có thể thực hiện
cú nhảy đột phá để trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới.