Doanh nghiệp nuôi dưỡng con người và con người là nguồn sống của
doanh nghiệp
“Quản lý là việc mà tổ chức và các thành viên của tổ chức cần phải thực
hiện để có thể phát triển và tăng trưởng phù hợp với những thay đổi, yêu
cầu và cơ hội mới. Tất cả các doanh nghiệp đều là nơi vừa để học tập vừa
để đào tạo. Đào tạo và phát triển cần phải được phổ biến tới tất cả các
tầng lớp. Và đào tạo, phát triển tuyệt đối không thể bị gián đoạn.”
Đây là một chủ đề đặc sắc được Peter Drucker đề cập trong cuốn Quản trị
cho tương lai (Managing for the Future). Theo ông, đào tạo và phát triển
không thể bị gián đoạn. Doanh nghiệp thực hiện xuất sắc chân lý này và đạt
được nhiều thành công rực rỡ chính là Samsung.
Không hề khoa trương khi nói rằng, Samsung là một doanh nghiệp dày dạn
kinh nghiệm trong công cuộc biến những con người bình thường vươn lên
trở thành những nhân tài xuất chúng thông qua một chính sách giáo dục và
đào tạo nhân viên liên tục và có tính hệ thống. Hơn nữa, Samsung còn là cái
nôi nuôi dưỡng những “nhân tài trong nước” thành “nhân tài quốc tế”.
Samsung không ngần ngại mạnh tay đầu tư cho sự nghiệp đào tạo nhân tài,
không những vậy, họ còn xây dựng nên một hệ thống giáo dục hoàn hảo.
Có thể nói, xuất phát điểm của điều này là triết lý kinh doanh và tình cảm
mến mộ của những nhà lãnh đạo của Samsung như Lee Byung Chul và Lee
Kun Hee dành cho những tài năng đặc biệt.
“Doanh nghiệp là con người.”
Lee Kun Hee đặc biệt coi trọng người tài. Ông thừa hưởng tâm lý trọng
hiền tài này từ triết lý kinh doanh đặt nhân tài lên hàng đầu của người cha
quá cố - chủ tịch Lee Byung Chul. Bởi vậy, cốt lõi của triết lý kinh doanh
không đổi thay xuyên suốt hai đời chủ tịch Samsung là “đề cao nhân tài”.