Sau khi có những bằng chứng chống lại quan điểm chính thống về lịch
sử của chủ nghĩa tư bản như vậy, cần phải hỏi rằng phải chăng vì một lí do
nào đó, các nước phát triển đang tìm cách che giấu “bí mật dẫn đến thành
công của họ”. Tác phẩm này tập hợp các nội dung khác nhau từ những tài
liệu lịch sử trái ngược với quan điểm chính thống về lịch sử của chủ nghĩa
tư bản và cung cấp một bức tranh đầy đủ và dễ hiểu về những chính sách và
thể chế mà các quốc gia phát triển đã sử dụng khi họ còn là những nước
đang phát triển. Nói cách khác, tác phẩm này bàn về: “Đâu là nguồn gốc
thật sự của sự thịnh vượng của các quốc gia giàu có?”
Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này là các quốc gia phát triển không
đến được vị trí như hiện nay bằng những chính sách và thiết chế mà họ
khuyến nghị cho các nước đang phát triển hiện nay. Phần lớn những nước
này đã tích cực sử dụng các chính sách công nghiệp và thương mại “tồi”, ví
dụ như bảo hộ những ngành non trẻ và trợ cấp xuất khẩu – ngày nay, những
chính sách này nếu không bị cấm thì cũng bị Tổ chức Thương mại Thế giới
(WTO) kịch liệt phản đối. Cho đến khi trở thành những nước rất phát triển
(cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), các quốc gia này vẫn có rất ít những thiết
chế được cho là cần thiết cho các nước đang phát triển ngày nay, trong đó
có các thiết chế cơ bản như ngân hàng trung ương và các công ty trách
nhiệm hữu hạn.
Nếu sự thật là như vậy, phải chăng các quốc gia phát triển đang lợi dụng
chiêu bài khuyến nghị “chính sách tốt” và “thiết chế tốt” nhằm gây khó
khăn cho các nước đang phát triển trong việc sử dụng các chính sách và
thiết chế mà chính họ từng sử dụng nhằm phát triển đất nước trong những
giai đoạn trước đây? Đây chính là câu hỏi mà cuốn sách này hi vọng sẽ trả
lời được.