1.2. Một số vấn đề phương pháp luận: Những bài học
rút ra từ lịch sử
Nhà kinh tế học người Đức thế kỷ XIX, Friedrich List (1789-1846), được
coi là cha đẻ của những luận cứ bảo vệ ngành non trẻ, mà cụ thể là quan
điểm cho rằng khi đã có những nước phát triển thì các quốc gia lạc hậu
không thể phát triển các ngành mới nếu không có sự can thiệp của nhà
nước, đặc biệt là thuế bảo hộ. Tác phẩm xuất sắc nhất của List, Hệ thống
kinh tế chính trị quốc gia (The National System of Political Economy),
được xuất bản vào năm 1841.
List mở đầu tác phẩm của mình bằng một cuộc thảo luận khá dài về lịch
sử. Trên thực tế, ông đã dành 115 trang đầu tiên, trong số 435 trang của cả
cuốn sách, để xem lại các chính sách ngành và thương mại của các nước
lớn ở phương Tây cho đến lúc đó. Trong đó có những kinh nghiệm của
Venice (và các bang khác của Italia), các thành phố thuộc liên minh
Hanseatic
(do Hamburg và Lubeck đứng đầu), Hà Lan, Anh, Tây Ban
Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức và Hoa Kỳ.
Phần lớn các báo cáo này gần như trái ngược hoàn toàn với những điều
mà đa số chúng ta biết hoặc nghĩ là biết về lịch sử kinh tế của các quốc gia
nói trên.
Người đọc đương thời bị sốc bởi những phân tích của List về
Anh và Hoa Kỳ – những nơi được coi là quê hương của chính sách kinh tế
tự do.
List lập luận rằng nước Anh là quốc gia đầu tiên thực hiện thành thạo
nghệ thuật thúc đẩy ngành non trẻ, ông cho rằng đó chính là nguyên tắc
chống lưng cho cuộc trường chinh tới thịnh vượng của hầu hết các quốc gia
trên thế giới. Ông đi xa đến nỗi đã tuyên bố rằng chúng ta nên “để cho
[những người không tin vào luận cứ bảo vệ ngành non trẻ] trước hết phải
học lịch sử công nghiệp nước Anh”
. Bản tóm lược của ông về con đường
dẫn đến thành công về công nghiệp của người Anh đáng được trích dẫn đầy
đủ: