như chúng ta thấy ở bảng 2.2, trước khi hiệp ước được kí kết, mức độ bảo
hộ ở Pháp đã tương đối thấp (thấp hơn so với ở Anh cùng thời gian đó), vì
vậy kết quả mà hiệp ước này mang lại là tương đối nhỏ.
Hiệp ước này hết hiệu lực năm 1892, và sau đó nhiều loại thuế nhập
khẩu, đặc biệt là thuế đối với hàng chế tạo đã tăng lên. Nhưng việc này ít
có tác dụng tích cực đối với một số nước trong giai đoạn này, thí dụ như
Thụy Điển (xem mục 2.2.5), bởi vì họ không có những chiến lược phát
triển công nghiệp rõ ràng nhằm chống lưng cho việc tăng thuế xuất nhập
khẩu. Thực tế, hệ thống thuế mới này lại ngăn cản sự phát triển của công
nghiệp – do tác giả của hệ thống này, chính trị gia Jules Méline, là người
công khai phản đối công nghiệp hóa trên quy mô lớn, bởi vì ông cho rằng
nước Pháp phải là đất nước của các điền chủ và các phân xưởng nhỏ độc
lập với nhau.
Chính phủ Pháp cũng chủ trương thực hiện tự do kinh tế như ở Anh, đặc
biệt là trong thời Đệ tam Cộng hòa. Do những bất ổn và chia rẽ về chính trị,
nước Pháp được điều hành bởi một bộ máy hành chính quan liêu, trong đó
Bộ Tài chính – rất máy móc và bảo thủ – giữ thế thượng phong. Một lượng
lớn ngân sách của chính phủ được chi cho công tác quản lí, luật pháp và an
ninh trật tự, giáo dục và giao thông – những lĩnh vực truyền thống của một
“nhà nước tối thiểu”. Vai trò quản lí của nhà nước cũng được duy trì ở mức
“tối thiểu”.
Mãi đến năm 1886, Bộ Thương mại và Công nghiệp – trung tâm hoạch
định các chính sách công nghiệp – mới được thành lập, thậm chí lúc đó bộ
này có ngân sách ít nhất so với tất cả các bộ khác. Do vậy, bộ này chủ yếu
tập trung vào các hoạt động khuyến khích xuất khẩu, đặt ra các mức thuế
và các hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp “nằm ngoài những
khoản trợ cấp hiếm hoi, bao gồm tổ chức các triển lãm, giám sát Phòng
Thương mại, thống kê các số liệu kinh tế, vinh danh các doanh nhân”.
Nhưng ngay cả trong những lĩnh vực giới hạn như vậy, hoạt động của nó
cũng không thật sự hiệu quả. Hơn nữa, thuế xuất nhập khẩu trong giai đoạn