Nhờ chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, trong những thập kỉ sau đó kinh tế
Thụy Điển phát triển rất tốt. Theo một tính toán về GDP/giờ làm việc,
trong số 16 nền kinh tế lớn trong những năm 1890-1900, Thụy Điển có tốc
độ tăng trưởng nhanh thứ hai, sau Phần Lan, và trong giai đoạn 1900-1913
thì đứng thứ nhất.
Bảo hộ bằng thuế xuất nhập khẩu giai đoạn cuối thế kỷ XIX đặc biệt
thành công bởi vì nó được kết hợp với các chính sách trợ cấp trong công
nghiệp, hỗ trợ hoạt động R&D nhằm khuyến khích việc ứng dụng các công
nghệ mới. Các sử gia kinh tế đều cho rằng những chính sách được sử dụng
trong thời gian này đã tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển của các
ngành non trẻ, mặc dù mặt trái của nó là dẫn đến sự xuất hiện hàng loạt các
doanh nghiệp nhỏ, kém hiệu quả.
Nhưng, bảo hộ bằng thuế xuất khập khẩu và trợ cấp không phải là những
công cụ duy nhất mà Thụy Điển sử dụng nhằm khuyến khích phát triển
công nghiệp. Điều thú vị hơn là, trong suốt những năm cuối thế kỷ XIX,
Thụy Điển đã phát triển hình thức hợp tác gần gũi giữa nhà nước và tư
nhân với quy mô chưa từng thấy ở các nước khác trong giai đoạn này, kể cả
Đức là nước có quan hệ đối tác lâu đời giữa nhà nước và tư nhân (xem mục
2.2.3).
Hình thức liên kết ban đầu được hình thành từ sự tham gia của nhà nước
nhằm thực hiện các công trình thủy lợi trong nông nghiệp. Từ những năm
1850, mô hình tương tự cũng được áp dụng nhằm phát triển ngành đường
sắt. Sau những sai phạm của các liên doanh do tư nhân lãnh đạo trong
ngành này (nhất là ở Anh), chính phủ đảm nhận xây dựng các tuyến đường
chính (được hoàn thành vào năm 1870), còn các doanh nghiệp tư nhân xây
dựng các tuyến đường phụ. Việc xây dựng và vận hành các tuyến đường
phụ phải được sự chấp thuận của chính phủ, và từ năm 1882 trở đi, chính
phủ kiểm soát giá cả. Năm 1913, các công ty đường sắt của nhà nước đã
xây dựng được 33% tổng chiều dài của các tuyến đường sắt và kiểm soát
60% lượng hàng hóa vận chuyển qua đó.