bản thân mình khởi thảo nó từ những tư liệu đầu tiên có được trong tay,
tôi thậm chí còn không tin vào những cảm tưởng của chính mình, mà
câu chuyện một phần dựa trên những gì tôi tận mắt thấy, một phần dựa
trên những gì người khác đã thấy hộ tôi, độ chính xác của câu chuyện
thuật lại này luôn được thử thách bằng những cuộc thẩm tra chi tiết
nhất và nghiêm ngặt nhất có thể. Những kết luận của tôi đã khiến tôi
phải tốn công ít nhiều vì thiếu sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa những lời
kể của các nhân chứng khác nhau về cùng một sự kiện, lúc thì do trí
nhớ không trọn vẹn, lúc thì do quá thiên kiến đối với bên này hoặc bên
kia. Tôi e rằng việc thiếu tính lãng mạn trong cuốn sử ký của tôi sẽ làm
nó bớt phần thú vị đi đôi chút; nhưng nếu nó được đánh giá là hữu ích
bởi những người tìm tòi với mong muốn có được sự hiểu biết chính xác
về quá khứ như một phương tiện giúp giải đoán tương lai, mà trong tiến
trình của nhân loại nếu quá khứ đó không lặp lại ắt cũng phải có sự
tương đồng, thì tôi sẽ lấy làm mãn nguyện. Nói tóm lại, tôi đã viết tác
phẩm của mình không phải như một bài luận chỉ để nhận được tràng vỗ
tay hoan nghênh trong chốc lát mà như một tài sản vĩnh tồn.”
Cũng như Herodotus, mục đích viết sử của Thucydides là để đời sau
có “quan niệm rõ ràng hơn về quá khứ”. Ông dựng lại cuộc chiến tranh
Peloponnese bằng những câu chuyện mình được chứng kiến hoặc nghe
kể lại. Tuy nhiên, là một nhà sử học nghiêm túc, cẩn thận, ông luôn đặt
tính chính xác của câu chuyện ở vị trí quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, ông
nhận thức rõ vai trò của quá khứ đối với hiện tại và tương lai: “Tôi e
rằng việc thiếu tính lãng mạn trong cuốn sử ký của tôi sẽ làm nó bớt
phần thú vị đi đôi chút; nhưng nếu nó được đánh giá là hữu ích bởi
những người tìm tòi với mong muốn có được sự hiểu biết chính xác về
quá khứ như một phương tiện giúp giải đoán tương lai, mà trong tiến
trình của nhân loại nếu quá khứ đó không lặp lại thì cũng phải có sự
tương đồng… ”. Vì thế, “tôi đã viết tác phẩm của mình không phải như
một bài luận chỉ để nhận được tràng vỗ tay hoan nghênh trong chốc lát
mà như một tài sản vĩnh tồn.”