nhiên, hai bản văn có rải rác chữ quốc ngữ, vì thế chúng tôi cũng muốn
trình bầy trong chương này để bạn đọc được rõ hơn. Thực ra tài liệu trên đã
được mấy nhà nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ bàn đến
, nhưng chúng tôi
nghĩ, cũng cần ghi lại ở đây, một phần giúp bạn đọc khỏi phải đi tìm nơi
khác, một phần chúng tôi muốn giải thích rộng hơn hoặc đính chính một
vài điểm.
Tài liệu viết tay năm 1645
Tài liệu gồm 8 trang giấy, viết chữ cỡ trung bình trong khổ 17 X 27
cm, hiện lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên ở La Mã
. Tài liệu bằng chữ Bồ
Đào Nha, nhan đề : « Manoscritto, em que se proua, que a forma do
Bauptismo pronunciada em lingoa Annamica he verdadeira » (Bản viết
chứng minh mô thức Rửa tội phải đọc trong tiếng An Nam chính thực). Tuy
nhiên, từ cuối trang 38r đến 38v, khi ghi tên những người tham dự hội nghị,
thì lại ghi bằng chữ La tinh : « Nomina Ppum, qui ex mandato Pis
Emanuelis de Azdo Vis Prouae Japonnensis et Vice Prouae Sinensis,
interfuere consultationi, et forman Baptismi lingua Annamica prolatam,
legitimam esse, et valida affirmarunt. Anno 1645 » (Danh sách các Cha
tham gia thảo luận và xác nhận mô thức Rửa tội bằng tiếng An Nam cho
hợp thức và thành sự, [trong một hội nghị] do lệnh Cha Emanuel de
Azevedo, Giám sát [Dòng Tên] tỉnh Nhật Bản và phụ tỉnh Trung Hoa. Năm
1645).
Dòng chữ đầu tiên của tập tài liệu được ghi « Pe Assistente de
Portugal » (Cha Phụ tá Bề trên Cả Dòng Tên vùng Bồ Đào Nha). Cũng nên
biết rằng, đứng đầu Dòng Tên là Linh mục Bề trên Cả ở tại La Mã. Dòng
Tên được chia ra nhiều vùng và mỗi vùng lại chia ra nhiều tỉnh. Vùng Bồ
Đào Nha thời đó gồm : chính nước Bồ Đào, Ba Tây, Ấn Độ, Tích Lan, Thái
Lan, Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản. Cha Phụ tá Bề trên
Cả vùng Bồ Đào Nha cũng như Cha Phụ tá các vùng khác, ở tại La Mã