và không có sữa để nuôi con. Cũng vì lý do này, khi ở Cuba, tôi phát hiện
thấy chỉ trong ba tháng đã có khoảng bảy nghìn trẻ em chết. Có những bà
mẹ thậm chí buộc phải vứt bỏ con mình do hoàn toàn tuyệt vọng… Những
người chồng chết ở mỏ, vợ chết trên đồi sắn và con chết do thiếu sữa… và
cứ thế, trong khoảng thời gian ngắn, dân số của vùng đất từng rất tuyệt vời,
màu mỡ và tràn đầy sinh lực này đã dần cạn. Tôi đã tận mắt chứng kiến
những hành động xa lạ với bản chất của con người và giờ đây tôi cảm thấy
run rẩy khi viết ra điều đó…
Khi đến hòn đảo Hispaniola vào năm 1508, Las Casas viết rằng “chỉ còn 60
nghìn người sinh sống trên đảo, trong đó có thổ dân da đỏ; trong khoảng
thời gian từ năm 1494 đến 1508 đã có hơn ba triệu người chết do chiến
tranh, chế độ nô lệ và công việc cực nhọc ở hầm mỏ. Các thế hệ tương lai
liệu có tin điều này? Bản thân tôi viết ra điều này bằng những gì chứng
kiến, mà cũng khó có thể tin được…”
Lịch sử bắt đầu vào khoảng 500 năm trước, khi người châu âu xâm lược
vùng đất của thổ dân da đỏ ở châu Mỹ. Khi ta đọc Las Casas (nếu như ông
không thổi phồng các con số), sự khởi đầu lịch sử đó chính là: chinh phạt,
chế độ chiếm hữu nô lệ và cái chết mà bắt đầu từ ba triệu thổ dân da đỏ, con
số Las Casas đưa ra; hoặc ít hơn một triệu người, như các nhà sử học tính
toán; hoặc tám triệu người, như nhiều người ước lượng. Nhưng khi ta đọc
sách lịch sử dành cho trẻ em ở Mỹ, sự khởi đầu là từ cuộc thám hiểm đầy
dũng cảm, không có máu đổ và sau này người Mỹ kỷ niệm Ngày
Columbus.
Sách lịch sử tiểu học, trung học thỉnh thoảng mới điểm xuyết một vài ngụ ý
mang nội dung khác. Samuel Eliot Morison, nhà sử học thuộc Đại học
Harvard, một người viết xuất sắc về Columbus, tác giả của bộ tiểu sử nhiều
tập và bản thân ông cũng là một thủy thủ đã từng tìm theo dấu của con
đường Columbus để đi xuyên Đại Tây Dương. Trong cuốn sách nổi tiếng