Điều tôi muốn nói không phải là khi kể về lịch sử, chúng ta buộc tội, phán
xét hay chỉ trích Columbus. Đã quá muộn để làm việc đó; đấy chỉ là một
hành vi đạo đức vô nghĩa. Tuy vậy, chấp nhận dễ dàng những hành động tàn
bạo là điều tệ hại nhưng lại là cái giá cần thiết phải trả cho quá trình phát
triển và điều đó vẫn luôn đi theo chúng ta (thí dụ như các sự kiện Hiroshima
và Việt Nam là nhằm cứu vãn nền văn minh phương Tây, vụ đàn áp khởi
nghĩa Kronstadt và Hungary nhằm cứu vãn chủ nghĩa xã hội, phát triển hạt
nhân để cứu vãn tất cả chúng ta). Một lý do nữa khiến những hành động tàn
bạo đó vẫn mãi ám ảnh nước Mỹ là vì chúng ta đã tìm cách chôn giấu
chúng trong vô số những sự kiện khác, giống như chúng ta đã tống chất thải
phóng xạ vào trong những chiếc container chôn sâu dưới lòng đất. Chúng ta
cũng đã học được cách dành cho nó phần chú ý tương tự phần mà các giáo
viên và các tác giả dành cho nó ở trường học và trong sách giáo khoa. Cảm
xúc đạo đức xuất phát từ tính khách quan của các học giả dễ được chấp
nhận hơn những gì giới chính trị tuyên bố tại các cuộc họp báo. Do đó nó
càng trở nên nguy hiểm hơn.
Cách đối xử của những anh hùng (như Columbus) với nạn nhân của họ (thổ
dân Arawak) – được ngầm chấp nhận là chinh phạt hay giết người nhân
danh sự tiến bộ – chính là khía cạnh duy nhất của cách tiếp cận lịch sử lúc
bấy giờ, cách mà quá khứ được kể lại theo quan điểm của các nhà nước,
những người chinh phạt, các nhà ngoại giao, lãnh đạo… Cứ như thể họ
(Columbus) đáng được thế giới chấp nhận; hoặc cứ như thể họ (“Những
người cha lập quốc” , Jackson, Lincoln, Wilson, Roosevelt, Kennedy,
những nghị sỹ hàng đầu, các thẩm phán nổi tiếng của Tòa án Tối cao) đại
diện cho cả nước Mỹ. Điều vờ vịt ở đây là thật sự có một “Hợp chúng quốc
Hoa Kỳ”, chủ thể của những tranh cãi, xung đột không thường xuyên,
nhưng về căn bản là một cộng đồng có chung lợi ích. Và người ta làm ra vẻ
là thật sự có một “lợi ích quốc gia” được ghi trong Hiến pháp, trong việc
mở rộng lãnh thổ, trong các luật được Quốc hội thông qua, trong các quyết