theo cách nhìn nhận của những người lính quân đội Scott; về sự phát triển
của chủ nghĩa công nghiệp hiện đại theo cách nhìn của những phụ nữ trẻ
tuổi ở nhà máy dệt Lowell; về Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha theo quan
điểm của người Cuba; về lịch sử chinh phạt Philippine nhìn từ phía binh sỹ
da đen ở Luzon; về Thời kỳ Hoàng kim (Gilded Age) từ phía người nông
dân ở miền nam; về Chiến tranh thế giới thứ nhất theo quan điểm của người
theo chủ nghĩa xã hội; về Chiến tranh thế giới thứ hai theo quan điểm của
người yêu chuộng hòa bình; về kế hoạch New Deal (Chính sách kinh tế
mới) của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt theo quan điểm người Mỹ
da đen ở Harlem; về đế chế Mỹ thời hậu chiến nhìn từ phía công nhân Mỹ
Latinh… Và còn nhiều nữa, tới mức mà bất cứ người nào cũng có thể “nhìn
nhận” lịch sử theo quan điểm của người khác.
Quan điểm của tôi không phải là xót thương các nạn nhân và buộc tội
những tên đao phủ. Nước mắt đó, nỗi tức giận đó đã thuộc về quá khứ, hãy
xả năng lượng đạo đức của chúng ta cho hiện tại. Không phải mọi con
đường đều bằng phẳng. Xét về lâu dài, kẻ áp bức cũng là nạn nhân. Trong
giai đoạn ngắn (và đến nay lịch sử loài người cũng vẫn được hợp thành từ
các giai đoạn ngắn), chính bản thân các nạn nhân trong cơn tuyệt vọng bị
tha hóa bởi nền văn hóa áp bức họ lại trở thành thù địch với nạn nhân khác.
Để hiểu rõ tính phức tạp của vấn đề, cuốn sách này sẽ đặt nghi ngờ về việc
các chính phủ và những toan tính của họ, thông qua chính trị và văn hóa,
muốn gài bẫy dân thường vào một mạng lưới khổng lồ ngụy trang bằng một
cộng đồng dân tộc, cùng chung lợi ích. Tôi sẽ cố không đi sâu xem xét kỹ
lưỡng về sự tàn bạo mà các nạn nhân đối xử với nhau khi bị giam trong
những toa chở hàng của hệ thống này. Và tôi cũng không muốn tiểu thuyết
hóa câu chuyện của họ. Nhưng tôi từng nhớ có một câu nói: “Tiếng khóc
của người nghèo không phải lúc nào cũng chính đáng, nhưng nếu không
lắng nghe anh sẽ không bao giờ biết công lý là gì.”