Phụ nữ chăm lo công việc mùa màng và chịu trách nhiệm chung về các vấn
đề của làng, trong khi đàn ông săn bắn và đánh cá. Kể từ khi họ cung cấp
giày da và lương thực cho các cuộc chinh phạt, họ cũng tham gia kiểm soát
một số vấn đề quân sự. Trong công trình nghiên cứu về người châu Mỹ thời
sơ khai, người da đỏ, da trắng và da đen Gary B. Nash viết: “Quyền lực
được chia sẻ cho cả hai giới. Quan niệm của người châu âu cho rằng đàn
ông thống trị và phụ nữ phụ thuộc trong mọi thứ rõ ràng không tồn tại trong
xã hội Iroquois.”
Trẻ em trong xã hội Iroquois được giáo dục về di sản văn hóa của cộng
đồng và sự đoàn kết trong bộ lạc, đồng thời được giáo dục tính độc lập,
không cúi đầu trước các thế lực độc đoán. Chúng được dạy về sự công bằng
địa vị và chia sẻ sở hữu. Người Iroquois không sử dụng các biện pháp mạnh
trừng phạt trẻ em. Họ không cố tập cho trẻ tự ăn sớm, hay giáo dục vệ sinh
cá nhân sớm, nhưng họ dạy cho trẻ dần dần học cách tự chăm sóc bản thân.
Tất cả những yếu tố trên hoàn toàn trái ngược với các giá trị châu âu mà
những người thực dân đầu tiên mang tới, đó là một xã hội của kẻ giàu người
nghèo, được các cha đạo và các thống đốc quản lý, người đàn ông đứng đầu
gia đình. Thí dụ như, mục sư John Robinson của các tín đồ Thanh giáo đã
khuyên giáo dân cách dạy con cái: “Trong mỗi đứa trẻ chắc chắn đều có sự
bướng bỉnh và lòng dũng cảm xuất phát tự nhiên cần được xóa bỏ trước
tiên; vì vậy nền tảng giáo dục chúng phải dựa trên tinh thần nhún nhường
và sự dễ bảo, những đức tính tốt khác sẽ theo đó dần được hình thành.”
Gary Nash đã mô tả văn hóa Iroquois:
“Trước khi người châu âu xuất hiện, ở vùng rừng núi đông bắc này không
hề có luật pháp và quy định, cảnh sát và quân đội, thẩm phán và hội thẩm,
tòa án hay nhà tù – bộ máy quyền lực của xã hội châu âu. Tuy nhiên, các
giới hạn chuẩn mực hành vi đã được duy trì. Dù tự hào về tính tự quyết cá