“đầy tớ” (một khái niệm gần gũi hơn với người Anh), họ vẫn bị nhìn nhận
và đối xử khác so với đầy tớ da trắng và trên thực tế họ là nô lệ. Bất luận
thế nào, chế độ nô lệ vẫn phát triển nhanh chóng thành một thiết chế thông
dụng, thành quan hệ lao động bình thường giữa người da đen với người da
trắng ở Tân Thế giới. Cùng với đó là một thứ xúc cảm đặc biệt về chủng
tộc, cho dù là căm hận, khinh thường, thương hại hay kẻ cả, gắn chặt với vị
trí hạ đẳng của người da đen ở Mỹ trong khoảng 350 năm tiếp sau đó; là sự
kết hợp giữa vị thế thấp kém và sự coi thường mà chúng ta thường gọi là sự
phân biệt chủng tộc.
Tất cả kinh nghiệm của những người định cư da trắng đầu tiên trở thành áp
lực đối với quá trình nô lệ hóa người da đen.
Những người dân Virginia vào năm 1619 đã kiệt sức vì lao động, nhằm có
đủ lương thực để tồn tại. Trong số đó có những người sống sót sau mùa
đông năm 1609-1610, còn gọi là “thời kỳ chết đói”. Khi đó, do điên cuồng
vì kiếm lương thực, họ đã phải lang thang trong rừng sâu tìm các loại hạt và
quả dâu, phải đào mộ để ăn xác người; và đã chết hàng loạt, số thực dân từ
500 người giảm còn 60 người.
Trong biên bản của Nghị viện Burgesses Virginia còn lưu giữ một tài liệu từ
năm 1619, trong đó thuật lại quãng thời gian 12 năm đầu tiên của chế độ
thuộc địa Jamestown. Những cư dân đầu tiên có khoảng 100 người. Mỗi
bữa họ được ăn một muôi cháo đại mạch. Nhưng khi có thêm nhiều người
đến, thức ăn ngày càng ít đi. Nhiều người đã sống trong những cái hố giống
như hang, đào sâu dưới đất. Mùa đông 1609-1610, họ bị…
... đẩy đến tình trạng đói kinh hoàng, đến nỗi phải ăn những thứ tởm lợm
nhất: thịt và phân người, của cả người cùng chủng tộc lẫn người Anh-điêng.
Những thứ này bị đào khỏi mộ sau khi được chôn vài ngày và được ăn ngấu
nghiến. Những người khác, thèm khát cơ thể còn khả dĩ hơn của bất cứ ai
chưa bị cơn đói hủy hoại như mình, thì ngồi rình rập, dọa giết thịt …