Trong cuốn The African Slave Trade (Buôn bán nô lệ châu Phi), Basil
Davidson đã so sánh luật pháp của Congo đầu thế kỷ XVI với luật pháp của
Bồ Đào Nha và Anh. Ở các nước châu âu này, khi tư tưởng về sở hữu cá
nhân trở nên mạnh mẽ, việc trừng phạt kẻ cắp hết sức hà khắc. Thậm chí
vào cuối những năm 1740 tại Anh, một đứa trẻ có thể bị treo cổ chỉ vì ăn
cắp một chiếc mũ bằng bông! Nhưng ở Congo, cuộc sống cộng đồng rất gắn
kết, vậy nên sở hữu tư nhân là điều lạ lẫm và kẻ cắp chỉ bị phạt tiền hoặc nô
dịch. Trong lần nói chuyện với một người Bồ Đào Nha về luật hình sự của
Bồ Đào Nha, một vị lãnh đạo Congo hỏi mỉa mai: “Ở Bồ Đào Nha có hình
phạt nào dành cho một người đặt chân của họ trên mặt đất?”
Chế độ nô lệ tồn tại ở các nhà nước châu Phi và đôi khi được người châu âu
sử dụng nhằm biện minh cho việc buôn bán nô lệ của họ. Nhưng Davidson
đã chỉ ra rằng “nô lệ” ở châu Phi giống với nông nô ở châu âu hơn, hay nói
cách khác, giống hầu hết người dân châu âu. Đó là chế độ nô dịch hà khắc,
nhưng họ có những quyền mà nô lệ châu Phi bị đưa tới châu Mỹ không có,
“và không giống như những ‘chuồng người’ trên các con tàu nô lệ và đồn
điền ở Mỹ”. Ở Vương quốc Ashanti ở Tây Phi, một nhà quan sát ghi nhận:
“Nô lệ có thể kết hôn, sở hữu tài sản, sở hữu nô lệ khác, tuyên thệ, làm nhân
chứng hợp pháp và hoàn toàn có thể được hưởng thừa kế từ chủ mình…
Trong 9/10 trường hợp, một nô lệ Ashanti có thể trở thành thành viên của
gia đình nuôi họ. Khi hậu duệ của họ hòa nhập và kết hôn với những người
bà con của ông chủ, rất ít người còn biết đến nguồn gốc của mình.”
John Newton, một người chuyên buôn bán nô lệ (về sau trở thành lãnh tụ
phong trào phản đối chế độ nô lệ), đã viết về những người Cộng hòa Sierra
Leone – quốc gia nằm ở Tây Phi, như sau:
“Tình trạng chế độ nô lệ của những con người hoang dã và hung bạo này
(nếu chúng ta coi là như vậy) lại dễ chịu hơn ở các thuộc địa của chúng ta.
Bởi vì, một mặt, họ không có đất để canh tác nhiều như ở các đồn điền