vùng Tây Ấn của chúng ta, và vì vậy không đòi hỏi sự lao động dư thừa và
liên tục, vắt kiệt sức nô lệ như chúng ta. Mặt khác, không người nào được
phép gây đổ máu, thậm chí đối với nô lệ.”
Không thể ca ngợi chế độ nô lệ ở châu Phi. Nhưng nó khác xa với chế độ nô
lệ ở các đồn điền hay hầm mỏ ở châu Mỹ – một chế độ kéo dài, làm băng
hoại đạo đức, phá hủy các mối quan hệ gia đình, không có hy vọng vào
tương lai. Chế độ nô lệ châu Phi không có hai yếu tố khiến chế độ nô lệ
châu Mỹ trở thành hình thức tàn bạo nhất trong lịch sử nô lệ của thế giới.
Đó là: khát vọng điên cuồng về lợi nhuận không giới hạn từ nền nông
nghiệp theo kiểu tư bản; hạ nô lệ xuống vị trí thấp hơn vị trí dành cho con
người thông qua kỳ thị chủng tộc và phân biệt màu da một cách tàn nhẫn,
theo đó người da trắng là ông chủ và người da đen là nô lệ.
Thực tế, lý do là họ xuất thân từ một nền văn hóa đã ổn định gắn với phong
tục bộ lạc và quan hệ gia đình, đời sống cộng đồng và nghi lễ truyền thống
− một nền văn hóa mà người da đen châu Phi tự cho rằng, nếu bị tách khỏi
họ sẽ trở nên vô dụng. Họ bị bắt từ trong nội bộ (thường là người da đen tự
bắt lẫn nhau trong các cuộc buôn bán nô lệ), bị đem bán trên các bờ biển và
bị xô đẩy tới các đồn điền, cùng với những người da đen của các bộ lạc
khác, thường nói những ngôn ngữ khác nhau.
Các điều kiện bắt bớ và buôn bán nô lệ càng cho thấy tình cảnh bơ vơ của
người da đen châu Phi trước thế lực áp đảo. Hành trình dài tới bờ biển, đôi
khi chặng đường đó lên tới một nghìn dặm với những con người cổ đeo
gông cùm, bị áp giải bằng roi da và súng, là hành trình chết chóc mà cứ
năm người thì có một người chết. Trên bãi biển, người da đen bị nhốt trong
cũi, cho tới khi có người tới mua và mang đi. Vào cuối thế kỷ XVII, John
Barbot đã mô tả những chuồng người trên Bờ biển Vàng (Gold Coast):
Nô lệ được đưa từ nội địa tới Fida, họ bị nhốt vào các cũi giam gần bãi
biển. Khi người châu âu tới nhận, họ được đưa tới khu vực đất bằng phẳng,