đất Mỹ, không có sự tranh cãi rằng tự do và bình đẳng là sự cần thiết cho
công lý đối với chúng ta.”
Trong những năm 1970 và 1980, những người khuyết tật đã tổ chức được
một phong trào đủ mạnh buộc Quốc hội phải thông qua một đạo luật dành
cho người khuyết tật. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập
pháp Mỹ, đưa ra các tiêu chuẩn cho phép người khuyết tật tranh luận về
việc phân biệt đối xử và bảo đảm rằng họ được tiếp cận những nơi mà họ
khó tiếp cận do khuyết tật.
Trong phong trào dân quyền, người da đen đưa ra yêu sách về tiêu chuẩn
của người Mỹ đối với “tự do và bình đẳng”. Phong trào của phụ nữ cũng
tranh cãi về vấn đề này. Và giờ đây, năm 1992, những người Mỹ bản xứ
đang chỉ ra các tội danh của sự khai phá văn minh phương Tây đối với tổ
tiên họ. Họ đòi lại tinh thần thành viên công xã của người da đỏ mà
Columbus đã tiếp xúc và chinh phạt, cố gắng kể về lịch sử của hàng triệu
người đã ở đó trước khi Columbus tới, chứng minh những gì mà sử gia của
Đại học Harvard, Perry Miller, gọi là “phong trào văn hóa châu âu tràn vào
vùng hoang vu, trống vắng của châu Mỹ”, chỉ là dối trá.
Khi nước Mỹ bước vào những năm 1990, hệ thống chính trị, dù Đảng Dân
chủ hay Đảng Cộng hòa nắm quyền, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của những
kẻ cực kỳ giàu có. Các công cụ thông tin chính vẫn do những tập đoàn giàu
có chi phối. Dù không một lãnh đạo của chính đảng nào nói về điều này,
nhưng nước Mỹ bị chia thành giai cấp cực giàu và cực nghèo, kèm theo một
tầng lớp trung lưu liều mạng, bấp bênh, tách biệt.
Tuy nhiên, không còn nghi ngờ, mặc dù hầu như không được kể lại, nhưng
vẫn có một điều gì đó mà một phóng viên chính thống luôn trăn trở gọi là
“văn hóa đối kháng thường trực”, không chịu đầu hàng để có một xã hội
công bằng, nhân văn hơn. Nếu có hy vọng nào đó về tương lai của châu
Mỹ, thì niềm hy vọng đó nằm ở chính cam kết không đầu hàng.