một giai cấp có mầm mống tội phạm – do sự bất bình đẳng kinh tế − một
cách nhanh chóng, trong khi làm chệch hướng chú ý khỏi một bộ phận
khổng lồ gồm những tên ăn cướp tài sản quốc gia theo khuôn khổ pháp luật,
những kẻ ngồi trong các văn phòng điều hành.
Nhưng dù với sự kiểm soát quyền lực và trừng phạt, cám dỗ và nhượng bộ,
làm chệch hướng và dụ dỗ… tồn tại trong suốt quá trình lịch sử của nước
Mỹ, thì giới quyền lực vẫn không thể giữ được sự an toàn tránh khỏi những
cuộc nổi dậy. Mỗi khi hệ thống gần chạm tới sự thành công, thì chính nhân
dân mà nó cho rằng đã bị thuyết phục và khuất phục, lại khuấy động và
đứng lên. Những người da đen, bị lừa phỉnh bởi các quyết định của Tối cao
Pháp viện và những quy chế của Quốc hội, đã đứng lên nổi loạn. Những
người phụ nữ, được ve vãn sau đó bị lờ bỏ, được lãng mạn hóa sau đó lại bị
ngược đãi, cũng đã đứng lên nổi loạn. Những người Anh-điêng, tưởng đã
chết hết, bỗng xuất hiện trở lại, công khai kháng cự. Những người trẻ tuổi,
bất chấp những quyến rũ của sự nghiệp và tiện nghi, cũng đã rời bỏ. Những
người lao động, dẫu đã được xoa dịu bằng các cuộc cải tổ, vốn vẫn bị kìm
kẹp trong vòng luật pháp, đóng khung trong khuôn khổ các công đoàn của
họ, đã đứng dậy tiếp tục đình công. Các trí thức của chính phủ, vốn phải
cam kết với việc giữ bí mật, bắt đầu tiết lộ những điều bí mật. Các linh mục
cũng đã chuyển đổi từ mộ đạo sang việc phản đối.
Hồi tưởng điều này là để nhắc nhở mọi người điều mà giới cầm quyền
muốn họ quên lãng − đó chính là năng lực phản kháng vô cùng to lớn của
những người tưởng chừng là vô vọng, những người tưởng chừng đã mãn
nguyện với những thay đổi. Vén lên bức màn lịch sử đó là để tìm thấy được
sự thúc đẩy mạnh mẽ con người đòi quyền con người. Thậm chí cả trong
cơn bĩ cực nhất, điều đó cũng có thể chỉ ra những khả năng đáng kinh ngạc.
Đó là sự thật, đánh giá quá cao về nhận thức giai cấp, thổi phồng sự nổi
loạn và những thành công của nó có thể dẫn đến việc mất phương hướng.