Bộ trưởng Thương mại của ông ta, Ronald Brown (người đã chết trong một
vụ tai nạn máy bay) là một người da đen và là luật sư; Clinton rất hài lòng
về ông ta. Nhưng Lani Guinier, một người da đen khác và là học giả về luật,
khi đang chuẩn bị nhận việc tại Vụ Dân quyền thuộc Bộ Tư pháp thì bị
“ruồng bỏ” bởi những người bảo thủ đã phản đối các ý tưởng mạnh mẽ của
bà về các vấn đề bình đẳng chủng tộc và quyền đại diện cử tri. Và khi
Joycelyn Elders − người đứng đầu ngành quân y và cũng là một người da
đen, đưa ra những đề xuất gây tranh cãi rằng thủ dâm là một môn học
nghiêm túc trong giáo dục tình dục, Clinton đã yêu cầu bà từ chức.
Clinton cũng tỏ thái độ rụt rè tương tự đối với hai vị trí mà ông ta đã bổ
nhiệm vào Tối cao Pháp viện, thông qua việc đảm bảo rằng Ruth Bader
Ginsburg và Stephen Breyer sẽ đủ ôn hòa để có thể được các thành viên
Đảng Cộng hòa và Dân chủ chấp nhận. ông ta không sẵn sàng đấu tranh cho
một nhân vật tự do mạnh mẽ theo gương Thurgood Marshall hay William
Brennan − người gần đây đã rời Pháp viện. Cả Breyer và Ginsburg đều bảo
vệ tính hợp hiến của việc phạt tiền và ủng hộ những hạn chế quyết liệt về
lệnh đình quyền giam giữ. Cả hai đều tán thành với các quan tòa bảo thủ
nhất tại Pháp viện để ủng hộ “quyền theo hiến pháp” đối với những người
tổ chức diễu hành nhân ngày Thánh Patrick tại Boston, nhằm loại bỏ người
diễu hành đồng tính luyến ái.
Trong việc chọn thẩm phán cho các tòa án liên bang cấp thấp hơn, Clinton
tỏ thái độ sẽ không bổ nhiệm những người theo chủ nghĩa tự do như Tổng
thống Gerald Ford thuộc Đảng Cộng hòa từng thực hiện trong những năm
1970. Theo một nghiên cứu kéo dài ba năm được đăng trên Fordham Law
Review đầu năm 1996, chưa đến một nửa các quyết định bổ nhiệm của
Clinton mang tính “tự do”. Tờ New York Times nhận xét rằng, trong khi
việc Reagan và Bush (cha) sẵn sàng đấu tranh cho những thẩm phán đã
phản ánh triết lý của họ, thì “Ngài Clinton, ngược lại, đã nhanh chóng bỏ
rơi các ứng cử viên tòa án, thậm chí cả khi có dấu hiệu của sự tranh cãi”.